Livestream bán hàng phải xác thực tài khoản bằng căn cước công dân. Ảnh minh họa. |
Người livestream bán hàng phải xác thực bằng căn cước công dân
Admin
16:54 23/11/2024
TPO - Các trường hợp livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok sẽ phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân (số căn cước công dân) theo quy định của Chính phủ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147 năm 2024 quy định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Theo quy định tại khoản 3, điều 23 về cung cấp thông tin xuyên biên giới, với các mạng xã hội xuyên biên giới có người dùng trong một tháng từ 100.000 người trở lên phải có trách nhiệm lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động (hoặc số định danh cá nhân). Trường hợp người dùng dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đăng ký tài khoản bằng thông tin cha, mẹ hoặc người giám hộ và các trách nhiệm giám sát nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Các mạng xã hội này cũng có trách nhiệm xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trường hợp người sử dụng không có số điện thoại di động thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định về định danh và xác thực điện tử. Riêng với trường hợp người dùng mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì mạng xã hội đó phải tiến hành xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân (số căn cước công dân) theo quy định về định danh và xác thực điện tử.
Nghị định cũng quy định, chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin) trên mạng xã hội. Lý giải về quy định này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện nay các mạng xã hội trong nước cũng như xuyên biên giới đều yêu cầu người dùng xác thực thông tin cá nhân khi đăng ký bằng 3 hình thức gồm email, số điện thoại hoặc căn cước công dân/chứng minh nhân dân. Trong đó, phổ biến nhất là xác thực bằng email và số điện thoại di động. Các mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực người dùng bằng số điện thoại (khoảng 30%), bằng email (khoảng 30%), chọn 1 trong 2 hình thức email hoặc số điện thoại (khoảng 40%). Bà Huyền chia sẻ thêm, YouTube cho người dùng xác thực bằng số điện thoại, Twitter sử dụng email, với Facebook, người dùng có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức trên. TikTok cho phép người dùng đăng ký bằng hình thức nào thì xác thực thông qua hình thức đó (bao gồm tài khoản mạng xã hội khác, email, số điện thoại). Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ thêm, việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực người dùng mạng xã hội là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Ngoài ra, mạng xã hội hiện có mức độ ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa nhanh và rộng nên với việc định danh, người dùng sẽ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng. Quy định này cũng phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành khác. Nghị định 147/2024/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ 15/12/2024.