Trong chiến lược phát triển của ngành, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đặt ra kế hoạch "xanh hóa" đến năm 2023 - giảm 15% tiêu thụ năng lượng, giảm 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi "xanh hóa" ngành dệt may Việt Nam.
Bắt buộc phải chuyển đổi
Nhìn lại kết quả xuất khẩu dệt may năm 2022, ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEK) - cho biết dù gặp nhiều khó khăn do áp lực lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ lực gia tăng trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dệt may tại các thị trường này sụt giảm trầm trọng nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn về đích với kim ngạch đạt 44 tỉ USD (tăng 8,8% so với năm 2021). Theo ông Thắng, kết quả tích cực này một phần từ nỗ lực chuyển đổi số, hiện đại hóa sản xuất theo hướng "xanh hóa" của các doanh nghiệp (DN).
Ông Việt nhấn mạnh "xanh hóa" là yêu cầu bắt buộc để DN dệt may giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. "Thị trường châu Âu (EU) đã đưa ra tiêu chuẩn phát triển "xanh", phát triển chuỗi cung ứng dệt may mang tính bền vững. Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ áp dụng và có thể mở rộng ra các thị trường khác. "Nếu DN chậm trễ phát triển theo hướng "xanh hóa" sẽ khó bán hàng vào các thị trường chủ lực, đồng nghĩa DN tự mình thu hẹp cơ hội phát triển trong tương lai" - ông Việt nói.
Sản xuất hàng dệt may tại một nhà máy thuộc Trung Quy Group
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, để xuất khẩu được hàng hóa, các DN buộc phải chuyển đổi đầu tư nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá của nhãn hàng. Song song đó, duy trì và tuân thủ mục tiêu phát triển bền vững và những cam kết của Việt Nam với quốc tế. Nếu không đáp ứng các chuẩn mực, DN chắc chắn sẽ tự loại mình ra khỏi sân chơi dệt may toàn cầu.
Tin vui là trước yêu cầu mang tính bắt buộc của thị trường, ngày càng có nhiều DN đầu tư chuyển đổi "xanh hóa" và bước đầu đã gặt hái thành công. Mới đây nhất, Trung Quy Group đã đạt được chứng nhận sản phẩm vải tái chế và sản phẩm vải hữu cơ toàn cầu.
Ông Trần Văn Quy, Chủ tịch HĐQT Trung Quy Group, cho biết để đạt chứng nhận này, DN phải kiểm soát quy trình sản xuất chặt chẽ ở tất cả công đoạn - từ nguyên phụ liệu, sản xuất đến khâu xuất xưởng giao cho khách hàng.
Tất cả đều đáp ứng và theo sát những tiêu chí của đơn vị chứng nhận. "Hành trình đó rất gian nan nhưng chứng nhận đã giúp DN nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu "xanh", sạch và cải thiện năng lực cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới" - ông Quy tự hào.
Trước Trung Quy Group, Công ty CP May Sông Hồng, TNG Thái Nguyên, May Tân Đệ, Dệt may Thành Công cũng đã gặt hái thành công nhờ ưu tiên đặt tiêu chuẩn "xanh" lên hàng đầu. Đơn cử, Công ty Dệt may Thành Công đã đầu tư phòng Lab để nghiên cứu về nguyên liệu "xanh" và ứng dụng nghiên cứu vào các sản phẩm thời trang "xanh" một cách hiệu quả nhất.
Không những vậy, công ty này còn thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&BD), từ đây phát triển 3 dòng sản phẩm chính gồm: sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, cà phê, quần áo cũ…), sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.
Còn nhiều thách thức
Theo Bộ Công Thương, "xanh hóa" ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà DN buộc phải thích nghi, đáp ứng nếu muốn tiếp tục duy trì và gia tăng cơ hội làm ăn với các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA). Yếu tố "xanh" không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Hiện tại, không chỉ thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản mà nhiều thị trường khác, kể cả Trung Quốc, cũng bắt đầu đưa ra những chính sách về phát triển bền vững. Vì vậy, "xanh hóa" là cơ hội cho DN mở rộng thị phần ở các thị trường lớn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức dài hạn đối với một bộ phận không nhỏ DN dệt may trong nước.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch AGTEK, cho rằng muốn khai thác tốt lợi thế của các FTA thì DN phải tập trung chuyển đổi "xanh" về môi trường, nguồn nguyên - phụ liệu tốt hơn. Vấn đề là hiện nay nhiều DN không chỉ gặp khó khăn về tài chính mà còn trở ngại trên bước đường "xanh hóa" sản xuất.
"Xanh hóa" đòi hỏi sự thay đổi của cả ngành hàng. Câu chuyện của các DN đã thành công bước đầu trên con đường "xanh hóa" đang truyền cảm hứng và động lực cho những DN còn lại nhằm khai thác tiềm năng lớn của ngành dệt may Việt Nam" - ông Hồng chia sẻ.
Ở góc độ hiệp hội, VITAS đánh giá những giải pháp thúc đẩy quá trình "xanh hóa" của Bộ Công Thương, hiệp hội cùng sự chuyển đổi, thích ứng nhanh của các DN là động lực để ngành dệt may vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong năm 2022.
Dựa trên nền tảng này, ngành dệt may đặt mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất sợi đến vải, may mặc; đạt kim ngạch xuất khẩu 47 tỉ USD vào năm 2023, từng bước đưa Việt Nam thành trung tâm dệt may của thế giới.
"DN phải có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng, con người để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của các nhãn hàng. Quan trọng nhất, mỗi DN phải xây dựng lộ trình theo các năm để tiến tới đạt tất cả chuẩn mực của phát triển bền vững" - Chủ tịch VITAS nêu giải pháp.
Đại diện VITAS thông tin thêm trong bối cảnh DN xuất khẩu dệt may vẫn chưa dự đoán được thời điểm phục hồi của nhu cầu thị trường thế giới thì việc khó kiểm soát được chất lượng chuỗi cung ứng, nhất là nguyên phụ liệu, càng gia tăng áp lực cho DN khi thực hiện "xanh hóa". Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần tạo hành lang chính sách để khuyến khích DN đầu tư vào hướng sản xuất "xanh".
Thực tế, Bộ Công Thương đang rà soát lần cuối dự thảo chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 để trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Trong dự thảo này, nhiều giải pháp về chính sách, công nghệ, phát triển nguyên - phụ liệu… đã được đưa ra nhằm giúp ngành đón đầu xu hướng sản xuất "xanh" của thế giới.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/yeu-cau-cap-thiet-cua-nganh-det-may-a1092.html