Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp tại tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt", do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 6/4 tại TPHCM.
Tập trung vào sản xuất lớn
Việt Nam là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy hải sản... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong các loại nông sản, mặt hàng gạo xây dựng được thương hiệu mạnh nhất. Gạo Việt cũng đã xuất khẩu được vào một số thị trường khó tính trên thế giới.
Tuy nhiên, theo GS. Võ Tòng Xuân, để xây dựng được mặt hàng gạo trở thành thương hiệu mạnh, nói đến gạo là nghĩ đến Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, câu chuyện xây dựng thương hiệu nông thủy sản đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo GS. Võ Tòng Xuân, bắt nguồn từ cả 3 bên (cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân). Chẳng hạn việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt chưa đủ mạnh. Trong khi đó, DN không có diện tích đủ lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải qua thương lái là chính. Còn nông dân cũng chưa muốn phá bờ thửa ruộng của mình để tham gia sản xuất lớn.
GS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh nếu giải quyết những khó khăn đó thì việc xây dựng thương hiệu sản phẩm sẽ dễ dàng hơn.
Xây dựng thương hiệu trên những mặt hàng lợi thế
Chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nutifood cho rằng thương hiệu nông sản Việt muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế.
"Việt Nam, với khí hậu, đất, nước như vậy, vị trí như vậy thì loại cây nào, loại con nào sẽ có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Nếu không biết lợi thế là gì sẽ rất khó để xây dựng thương hiệu nông sản Việt", ông Minh nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, làm thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu mà theo ông Minh, phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó.
Chia sẻ về lợi thế trong sản xuất chè, bà Võ Thị Tam Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng cho biết Việt Nam có lợi thế sản xuất chè, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Hiện, ngành chè không chỉ sản xuất ở trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 7 về sản xuất chè các loại.
Tuy nhiên, bà Võ Thị Tam Dân cho rằng khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu chè dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế.
Dẫn chứng cho điều này, bà Tam Dân thông tin 1 kg chè ô long hái tay 1 tôm 2 - 3 lá, chất lượng cao, giá xuất khẩu thô chỉ giao động ở 10 - 12 USD. Tuy nhiên, sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì lại bán được với giá cao gấp hàng chục lần.
Bà Tam Dân cho rằng để chè Việt nói riêng và nông sản Việt nói chung có chỗ đứng trên thị trường quốc tế thì các đơn vị sản xuất phải tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, nghiên cứu các giống mới cho năng suất và chất lượng cao.
Đầu tư có trọng điểm vào chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phải thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp chế biến chè với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến.
Đối với việc xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam nhận định Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, cung cấp rất nhiều nông sản, thủy sản cho thế giới, nhưng đó không phải là sản phẩm đặc trưng mà nhiều quốc gia khác cũng có thể sản xuất được.
Vì vậy, phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá đến khắp thế giới. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng và phải luôn nâng tầm tiêu chuẩn chất lượng hơn nữa để thế giới chấp nhận.
Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có chiến lược marketing mang tầm quốc gia. Trong đó, xác định tập trung phân khúc nào, thị trường nào, có đáp ứng đủ nhu cầu hay không…
Lê Anh
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/xay-dung-thuong-hieu-manh-de-tang-gia-tri-cho-nong-san-viet-a11725.html