Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,24% lên mức 81,53 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ cuối tháng 1 năm nay. Giá dầu Brent tăng 1,7% lên mức 85,61 USD/thùng.
Lực mua chủ yếu được thúc đẩy do đồng USD yếu hơn sau 4 phiên tăng liên tiếp đã hỗ trợ cho chi phí nắm giữ dầu, và nguồn cung vẫn là mối lo ngại lớn, đặc biệt là từ Nga, bất chấp triển vọng kinh tế kém sắc.
Trong bối cảnh nguồn cung bị cắt giảm mạnh, giá dầu vẫn chưa có đủ động lực rơi xuống vùng 79 USD/thùng, bất chấp lăng kính tăng trưởng kinh tế kém sắc, và báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) không quá mang tính hỗ trợ.
Với thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+, báo cáo STEO tháng 4 cũng hạ dự báo sản lượng dầu thêm 0,2% xuống còn 101,3 triệu thùng/ngày so với báo cáo trước đó, trong khi nhu cầu không có sự điều chỉnh đáng kể. EIA cũng cho thấy cán cân cung cầu sẽ tương đối chặt chẽ vào giai đoạn nửa cuối năm.
Đồng thời, cơ quan cũng nâng dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 85 USD/thùng trong năm nay, cao hơn 2 USD/thùng so với báo cáo tháng 3.
Tuy nhiên, sản lượng dầu từ Nga được dự báo cao hơn 0,3% so với báo cáo trước bất chấp việc cắt giảm, do hàng xuất khẩu tiếp tục tìm được người mua ở các thị trường bên ngoài châu Âu, và khu vực các nước non-OECD cũng sản xuất nhiều dầu hơn có thể bù đắp một phần thiếu hụt từ phía OPEC.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo độc lập của Viên Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ chỉ tăng nhẹ 380.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 7/4, trái ngược với dự đoán giảm. Tồn kho xăng cũng tăng nhẹ trái chiều với dự đoán, trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm. Điều này có thể hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên sáng 12/4.
Giá đường cao nhất 11 năm, cà phê tăng hơn 4%
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/4, sắc xanh bao trùm hoàn toàn lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi đường thô tiếp tục xác lập kỷ lục giá cao mới trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung ngày càng sâu sắc.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ vào hôm qua, đường thô tiếp tục tăng thêm 3,44% trong phiên hôm qua, đưa giá lên mức cao nhất trong 11 năm trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Trung Quốc tiếp tục cắt giảm sản lượng đường niên vụ hiện tại từ 9,33 triệu tấn xuống 9 triệu tấn. Đi kèm với đó là dự đoán giá nội địa tăng lên 1.815,44 USD/tấn. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu đường của quốc gia này. Đây hiện là quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ 2 thế giới.
Hơn nữa điều này cũng làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung đường trên phạm vi toàn cầu khi trước đó, Ấn Độ và Thái Lan, 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới đều dự báo sản lượng có sự suy yếu.
Cùng chung diễn biến, giá cà phê arabica đã nhanh chóng trở lại đà tăng với mức bật hơn 4% so với mức tham chiếu khi những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn trở nên lấn át.
Cà phê robusta trở lại giao dịch với mức giá bật tăng hơn 4,53% so với mức tham chiếu khi thị trường tiếp tục chịu chi phối bởi những cảnh báo thiếu hụt nguồn cung.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/gia-dau-the-gioi-bat-tang-tro-lai-a11862.html