Đệp cù cha thơm ngon giữa đại ngàn Trường Sơn

TP - Từ thuở lập bản làng, giống lúa nếp than (đệp cù cha) đã theo bước chân thiên di bất định của đồng bào dân tộc Pa Kô lang bạt khắp các cánh rừng Trường Sơn để được gieo ươm qua bao mùa lúa rẫy. Cứ ngỡ giống lúa nếp than chỉ thích hợp nảy mầm trên nương rẫy bám vào sườn đồi nhưng không nay, giống lúa nếp than đã trút bỏ “tính đỏng đảnh” để chịu nảy mầm trên những thửa ruộng thiếu nước ở xã A Ngo, Tà Long… trong khát vọng trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của huyện rẻo cao Đakrông (Quảng Trị...

1. Có lần, tôi đã mướt mồ hôi với chặng đường mòn chỉ vừa người đi, cứ dài dằng dặc băng qua khe, suối rồi leo ngược lên ngọn đồi nằm tựa vào đỉnh núi cao sừng sững, tôi cùng chị Hồ Thị Niêm ở bản A Đeng (xã A Ngo, huyện Đakrông) mới đặt chân đến đám rẫy trồng nếp than rộng chừng 1 - 2 sào.

Có theo chân chị Niêm, tôi mới hiểu được ngọn nguồn sức dẻo dai vốn có của đồng bào dân tộc Pa Kô. Thì ra, người Pa Kô sống ở núi cao, quanh năm làm bạn với mây gió và những đồi dốc ngoằn ngoèo trơn trượt.

Họ trèo dốc nhanh nhẹn và dẻo dai như loài báo đốm. Và không ai khác, chính đồng bào dân tộc Pa Kô qua bao mùa du canh thuở xa xưa đã tạo ra những đám rẫy trồng lúa nếp than cao ngút lưng đồi, cứ ngỡ giẫm lên những đám rẫy ấy, người ta sẽ đến được trời.

Chị Hồ Thị Niêm chia sẻ, giống lúa nếp than có từ lâu đời và được đồng bào dân tộc Pa Kô gìn giữ nguồn giống qua từng mùa nương rẫy. Muốn trồng được giống lúa nếp than thì ngay từ đầu năm (khoảng tháng 1 đến tháng 3 dương lịch) người dân phải lên đồi cao chặt cây, phát sim mua, cỏ tranh để hình thành nên đám rẫy rồi sau đó chờ nắng ráo thì đốt thực bì. Đến tháng 4 bắt đầu mang hạt giống lên rẫy dùng cây chọc lỗ để tra hạt. Phải đến tháng 10, tháng 11 thì mới vào vụ gặt nếp than.

Bữa trò chuyện với Nghệ nhân ưu tú Kray Sức ở xã Tà Rụt, tôi được biết rằng trong tâm thức của đồng bào dân tộc Pa Kô từ xa xưa đã mặc định giống lúa nếp than nếu mang xuống gieo trồng ở chân ruộng trồng lúa nước là không bao giờ nảy mầm, mọc cây.

Giống lúa nếp than phải trồng ở đồi cao, ở lưng chừng núi và dù cho mùa hè nắng như đổ lửa, mùa đông rét buốt, sương giá đến mấy thì giống nếp này vẫn phát triển xanh tốt. Và giống lúa nếp than nếu bón phân thì đến cuối vụ xem như “gặt lá” chứ chẳng có hạt nào.

Có lẽ từ quan niệm trồng giống lúa nếp than trên nương rẫy, không bón phân nên năng suất thấp cộng với việc khi gieo trồng giống nếp này đòi hỏi điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắt khe như đã nêu ở trên nên theo thời gian chỉ còn ít gia đình đồng bào dân tộc Pa Kô trồng. Bởi đồng bào dân tộc Pa Kô chỉ tập trung chọn trồng lúa nước, sắn, ngô… cho năng suất, giá trị kinh tế cao để cải thiện cuộc sống vốn còn khó nghèo của gia đình họ.

Dường như sinh trưởng, phát triển trong điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt nên lúa nếp than có độ dẻo thơm, giàu chất dinh dưỡng mà không một giống nếp nào sánh kịp. Ngày xưa, đồng bào dân tộc Pa Kô xem nếp than là phương thuốc để chữa bệnh đường ruột, dùng cho trẻ nhỏ mới ốm dậy hay phụ nữ sau khi sinh…

Đệp cù cha thơm ngon giữa đại ngàn Trường Sơn ảnh 1

Lúa nếp than trĩu hạt trên những thửa ruộng thiếu nước.

Trong bếp ăn của đồng bào Pa Kô luôn hiện diện nếp than lúc gia đình có khách quý đến chơi hay các dịp lễ cúng trọng đại. Cứ vào các dịp lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), Aya (hội mùa), Ariêu Ping (lễ bốc mả), Kăl năng Mương (Hoàn ân thổ thần)… sẽ không thể thiếu các loại bánh peng a chooih, peng tamăr, peng a koat, rượu men lá… được làm từ nếp than đã tạo nên nét đặc trưng trong hệ thống lễ hội của đồng bào dân tộc Pa Kô. Và các loại bánh peng a chooih, peng tamăr, peng a koat nếu chế biến bằng các loại gạo nếp thông thường thì sẽ mất đi hương vị đặc trưng của núi rừng Trường Sơn.

Đệp cù cha thơm ngon giữa đại ngàn Trường Sơn ảnh 2

Mùa gặt lúa nếp than ở xã A Ngo.

2. Thời gian qua huyện Đakrông đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển giống cây trồng này góp phần lưu giữ nguồn gen quý và mở ra hướng đi mới trong sản xuất các sản phẩm đặc trưng.

Riêng giống lúa nếp than chỉ cách đây vài năm được đồng bào dân tộc Pa Kô gieo trồng trên nương rẫy hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên mà không hề có sự chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng trừ dịch bệnh… do đó năng suất của giống lúa nếp than rất thấp; giống lúa nếp than không được tuyển chọn qua các vụ sản xuất cũng dần bị thoái hóa…

Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu bảo, để bảo tồn cũng như nâng cao giá trị kinh tế từ giống lúa nếp than, thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, vụ hè thu 2019 huyện Đakrông đã hỗ trợ 11 hộ dân ở Tà Long xây dựng mô hình trồng lúa nếp than trên chân ruộng thường xuyên thiếu nước. Và giống lúa nếp than đã cho năng suất 39 tạ/ha.

Hiện tại, 20 hộ dân ở bản Tà Lao, Ly Tôn của xã Tà Long tiếp tục mở rộng diện tích trồng giống lúa nếp than. Tại xã A Ngo, vụ hè thu 2021 huyện Đakrông đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng giống lúa nếp than thí điểm trên diện tích 0,25 ha cạnh công trình thủy lợi Kỳ Xay, bản A Đeng.

Giống lúa nếp than đã cho năng suất 40 tạ/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình đã mang lại lợi nhuận cho các hộ dân tham gia khoảng 100-120 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân 2021 - 2022, xã A Ngo đã mở rộng diện tích trồng lúa nếp than lên khoảng 7 ha với 37 hộ đồng bào dân tộc Pa Kô tham gia.

Dự kiến trong các năm tới, xã A Ngo sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng lúa nếp than lên 20 - 25 ha trên địa bàn toàn xã. Đây là những con số ấn tượng, ấm lòng.

Nếp than đã là một trong số 13 sản phẩm nông nghiệp hiện đang được huyện Đakrông đăng ký danh mục ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Từ những mùa “đệp cù cha” lặng lẽ trên nương rẫy chỉ để giới hạn trong việc làm ra những chiếc bánh vuông, tròn như bánh peng a chooih, peng tamăr, thì nay giống lúa nếp than đã chịu nảy mầm, trĩu hạt trên những thửa ruộng thiếu nước với năng suất, sản lượng cao giữa đại ngàn Trường Sơn.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/dep-cu-cha-thom-ngon-giua-dai-ngan-truong-son-a14030.html