Tổng cục Thống kê vừa công bố Khảo sát mức sống dân cư năm 2022. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư để đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê trong việc đánh giá thực trạng đời sống của dân cư; đo lường nghèo và phân hóa giàu nghèo trong cộng đồng dân cư phục vụ hoạch định chính sách, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội.
Khảo sát 2022 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng thông tin về chi tiêu chỉ đại diện đến cấp toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng địa lý. Các thông tin được thu thập trong khảo sát gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, tình hình đời sống của hộ và một số đặc điểm của xã.
Lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu giảm trong năm 2022.
Trong đó, đáng chú ý tiêu dùng gạo và lương thực quy gạo tiếp tục giảm năm 2022, lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm còn 6,9 kg, giảm 0,7 kg so với năm 2020.
Thói quen ăn uống cho thấy các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (7,7 so với 5,7 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm giàu nhất (7,8 so với 6,1 kg/người/tháng).
Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng qua các năm, từ 2,3 kg/người/tháng năm 2020 lên 2,6 kg/người/tháng năm 2022. Tiêu thụ rau xanh tăng từ 1,7 kg/người/tháng năm 2020 lên 1,9 kg/người/tháng năm 2022.
Lượng tiêu thụ rượu bia, đồ uống khác (nước có ga, nước ngọt…) có dấu hiệu giảm trong năm 2022; rượu bia giảm từ 1,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 1,2 lít năm 2022 và đồ uống khác giảm từ 2,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 2,1 lít năm 2022.
Công ty bia rượu kinh doanh thế nào?
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 đạt gần 5.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Theo báo cáo tài chính quý 4/2022, trong quý cuối cùng của năm 2022, Sabeco đạt doanh thu hơn 10.029 tỷ đồng, tăng mạnh so với ba quý đầu năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Khấu trừ chi phí giá vốn, SAB ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 2.814 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 28% cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 ở mức 27,7%.
Quý 4, doanh thu tài chính tăng 24% lên 324 tỷ đồng. Chi phí tài chính cao gấp 3 lần cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 70%, chủ yếu do chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mãi cho quý bán hàng trước Tết, đạt 1.612 tỷ đồng. Kết quả, đơn vị lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng trong quý 4/2022, giảm 23% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021. Con số này tương đương bình quân hơn 96,5 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt gần 5.500 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của hãng bia Sài Gòn từ trước đến nay. Cả năm 2022, Sabeco chi hơn 3.000 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mại, tăng khoảng 870 tỷ so với năm trước đó và gấp đôi năm 2019.
Tuy nhiên, đến báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, doanh thu thuần của Sabeco giảm 15% so với cùng kỳ, đạt hơn 6.200 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của SAB còn hơn 1.900 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 12%.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu bán bia chiếm phần lớn tỷ trọng 89%, đạt hơn 5,56 nghìn tỷ đồng, giảm 13%. Đứng thứ 2 là doanh thu bán nguyên vật liệu chiếm 8.7%, đạt gần 545 tỷ đồng. Doanh thu còn lại từ nước giải khát, rượu và cồn, cùng các mảng doanh thu khác.
Doanh thu hoạt động tài chính SAB tăng 57%, đạt hơn 358 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng gần gấp đôi. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng. Trong đó, mức chi cho quảng cáo và khuyến mãi chiếm hơn một nửa cơ cấu chi phí tài chính, ghi nhận hơn 479 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo tài chính ghi nhận khoản lỗ khác hơn 790 triệu đồng. Kết thúc quý 1, SAB lãi ròng hơn 967 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý đầu tiên sau 5 quý liên tiếp (kể từ quý 4/2021), SAB có mức lãi ròng dưới nghìn tỷ.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/nguoi-viet-dang-giam-uong-bia-doanh-thu-cong-ty-bia-ruou-van-ca-chuc-nghin-ty-a14326.html