Bới rác mỗi ngày kiếm hơn 100 triệu đồng/tháng, tôi phải thốt lên: Biết thế làm việc này sớm hơn!

Trong khi nhiều người nghi ngờ thu nhập từ nghề nhặt rác, số khác vẫn đặt niềm tin vào những món đồ người ta vứt bỏ.

Veronica Taylor (32 tuổi), đến từ Quakertown, Pennsylvania (Mỹ), kiếm sống nhờ nghề bới rác, theo New York Post. Thế nhưng, ‘rác’ mà Taylor đang nhắc đến lại không phải thức ăn thừa hay chất thải sinh hoạt. Đó là những món đồ hiệu chính hãng, bị nhà giàu vứt đi vì hết nhu cầu sử dụng.

Veronica Taylor bắt đầu công việc này từ tháng 6 năm ngoái và không làm một mình. Đồng hành với cô là người bạn thân Liz Wilson (38 tuổi). Cả hai tập trung kiếm các món đồ hiệu chính hãng, sau đó bán đấu giá trên livestream hoặc qua một ứng dụng đấu giá trung gian. Trong các cuộc đấu giá được phát trực tiếp, khách hàng sẽ bắt đầu trả giá từ 1 USD rồi tăng dần lên.

“Nó giống như truy tìm kho báu ngoài đời vậy. Bạn không thể biết mình sẽ tìm thấy gì. Tôi vừa có thể đi chơi với bạn thân, vừa kiếm tiền từ việc thu gom đồ hiệu đã qua sử dụng”, Taylor nói.

Ban đầu, Taylor bới rác vì sở thích lượm đồ bỏ đi, cảm giác “tự do mà nó mang lại”. Sau khi nhận ra công việc này có thể giúp mình kiếm tiền từ hàng hiệu chính hãng, cô biến đây trở thành công việc toàn thời gian.

Trung bình, cô và bạn thu về 4.000-5.000 USD/tháng (khoảng 93-117 triệu đồng), lợi nhuận chia đôi. Một chiếc ví Louis Vuitton và một đôi giày được đặt thiết kế riêng là 2 món đồ giá trị nhất đôi bạn nhặt được. Các món đồ khác như thực phẩm, đồ dùng cá nhân hay các vật dụng trong nhà thì sẽ được quyên góp cho các tổ chức từ thiện.

Thông thường, Taylor và Wilson sẽ nhặt rác vào ban đêm, từ 22h tối hôm trước sang 3h sáng hôm sau. Họ đi tới khắp các thành phố, chủ yếu lục thùng rác khu nhà giàu hoặc bên ngoài các cửa hàng thời trang second hand.

“Chúng tôi từng tìm thấy đồ của Louis Vuitton, Michael Kors. Khi phát hiện ra chúng, tôi đã thốt lên ‘Không đời nào cái này lại ở trong thùng rác”, cô kể lại, đồng thời cho biết các nhân viên lớn tuổi trong các cửa hàng thời trang second hand không biết nhiều về các thương hiệu xa xỉ, do đó không nắm rõ giá trị thực.

Bới rác mỗi ngày kiếm hơn 100 triệu đồng/tháng, tôi phải thốt lên: Biết thế làm việc này sớm hơn! - Ảnh 1.

Hình minh hoạ

Ngoài những món đồ xa xỉ đắt tiền kể trên, bản thân rác phế liệu cũng giúp nhiều người Mỹ ổn định thu nhập. Theo giám đốc Ryan Castalia của tổ chức phi lợi nhuận “Sure We Can”, New York có khoảng 8.000-10.000 người nhặt rác mưu sinh, thường xuyên hoạt động quay các thùng rác hay bãi phế liệu. Có người đã giàu lên và trở thành triệu phú, trong đó có Lisa Fiekowsky, nổi tiếng với việc chuyên đi thu thập ve chai tại Brooklyn-New York và bán lại.

“Sản phẩm được làm ra thì nên được tiêu thụ. Thật kinh khủng khi một người sẵn sàng vứt bỏ những thứ còn dùng được thay vì quyên góp giúp đỡ người khác”, Anna Sacks, cựu nhân viên ngân hàng đầu tư sống bằng nghề bới rác ở khu Upper West Side chia sẻ.

Trong khi nhiều người New York nghi ngờ về khả năng mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, chị Pilatacsi, 38 tuổi lại đặt niềm tin vào những món đồ người ta bỏ đi.

“Công việc này có thu nhập tốt hơn việc làm công nhân nhà máy nến. Lương quá thấp mà lại ngốn rất nhiều thời gian. Giờ đây với nghề nhặt ve chai, tôi cùng gia đình có thể làm tự do từ chiều đến 8h tối cho đến khi chất đầy xe”, chị Pilatacsi tự hào nói.

Tiffany She’ree, một phụ nữ 32 tuổi sống tại Texas, Mỹ, cũng kiếm sống nhờ nghề nhặt rác. Lần đầu tiên đi làm, Tiffany tìm được các sản phẩm chăm sóc da và đồ trang điểm trị giá tổng cộng 1.200 USD. Kể từ đó, cô và chồng – Daniel Roach (38 tuổi) cùng nhau đi ‘săn’ rác thường xuyên hơn.

“Tôi chưa bao giờ nghe nói hoặc nghĩ đến việc bới rác cho đến khi tình cờ xem một video trên YouTube về một số cô gái làm nghề này. Khi thấy những món hời mà họ kiếm được, tôi quyết định thử làm theo”, bà mẹ 4 con cho biết.

Mỗi lần đi săn rác, Tiffany đều ghi lại hành trình và đăng lên TikTok, từ thùng rác của Victoria’s Secret, chuỗi bán lẻ Party City đến hệ thống bán lẻ mỹ phẩm Ulta. Nhiều mặt hàng bị bỏ đi mà Tiffany tìm được chỉ bị hư hỏng nhẹ hoặc là hàng bị trả lại không thể bán tiếp.

“Tôi rất vui vì đã ‘cứu’ được rất nhiều thứ còn dùng tốt và góp phần bảo vệ môi trường”, cô chia sẻ.

Theo: New York Post

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/boi-rac-moi-ngay-kiem-hon-100-trieu-dongthang-toi-phai-thot-len-biet-the-lam-viec-nay-som-hon-a14330.html