Một loại nông sản của Việt Nam đang “làm mưa làm gió” tại Nhật Bản, xuất khẩu tăng mạnh hơn 2.300% chỉ trong 2 tháng đầu năm

Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu mặt hàng này đã đạt gấp đôi so với sản lượng trong cả năm 2022 cộng lại.

Những tháng đầu năm nay, sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong những mặt hàng ghi nhận nhiều biến động. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong quý 1/2023 đạt 977.438 tấn, trị giá 372,75 triệu USD, tăng nhẹ 1,02 về lượng và giảm gần 10% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Xét về thị trường, Trung Quốc vẫn duy trì là nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam về mặt hàng sắn. Trong quý 1/2023, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc đạt 885.461 tấn, trị giá 331.877 triệu USD, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến hơn 90,5% trên tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Đáng chú ý, Nhật Bản đang nổi lên là một thị trường tăng mạnh nhập khẩu sắn từ Việt Nam. Nếu như trong năm 2022, xuất khẩu sắn sang Nhật Bản chỉ đạt 695 tấn, trị giá 423.000 USD thì bước sang năm 2023, chỉ trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn sang Nhật Bản đạt 1.271 tấn, trị giá 626.981 USD , tăng kỷ lục 2.344,23% về lượng và tăng 1.105,22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, gần gấp 2 lần so với sản lượng xuất khẩu trong năm 2022.

Một loại nông sản của Việt Nam đang “làm mưa làm gió” tại Nhật Bản, xuất khẩu tăng mạnh hơn 2.300% chỉ trong 2 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Theo dữ liệu từ Đài quan sát phức hợp kinh tế OEC, vào năm 2021, Nhật Bản đã nhập khẩu 26,1 triệu USD sắn, trở thành nước nhập khẩu sắn lớn thứ 16 trên thế giới. Cũng trong năm này, sắn là sản phẩm được nhập khẩu nhiều thứ 847 tại Nhật Bản. Nhật Bản nhập khẩu Sắn chủ yếu từ: Trung Quốc ( với 9,47 triệu USD), Việt Nam (8,38 triệu USD), Indonesia (4,28 triệu USD), Thái Lan (2,52 triệu USD).

Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản – thực phẩm nước ngoài, bao gồm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê,… Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.

Trong năm 2023, Nhật Bản sẽ là một điểm đến tiềm năng cho sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam nhờ nhu cầu cao, vị trí địa lý gần. Trong khi đó, nguồn cung và giá của ngô và lúa mì đều bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Do đó, nhu cầu về sắn trên thị trường thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/mot-loai-nong-san-cua-viet-nam-dang-lam-mua-lam-gio-tai-nhat-ban-xuat-khau-tang-manh-hon-2300-chi-trong-2-thang-dau-nam-a14706.html