Sáng 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dự án luật này đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, được các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, đồng thời cũng đã được lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội.
Hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết về khái niệm người tiêu dùng, có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức. Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa "tổ chức" vào khái niệm "người tiêu dùng". Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung đối tượng "tổ chức" vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng; đồng thời bổ sung thuật ngữ "tiêu dùng bền vững".
Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.
Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.
Bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: "Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật". Dự thảo Luật quy định nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật, không áp dụng bắt buộc đối với tất cả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, như quy định việc tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có các trách nhiệm chung; quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số (bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung và giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng, như quy định về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số…
Bên cạnh đó, nội dung này còn được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử, cũng như pháp luật khác có liên quan.
Về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội Bảo vệ người tiêu dùng), như đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng…
Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phân loại rõ các loại hình tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự, hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.
Luật có tác động trực tiếp nhất thúc đẩy nước ta trở thành một nước văn minh
Tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung như phạm vi, đối tượng điều chỉnh, khái niệm "người tiêu dùng", tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội, việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại…
Đại biểu nhấn mạnh: "Nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều đó thì cần rất nhiều yếu tố như nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật".
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, "2 luật có tác động trực tiếp nhất thúc đẩy để nước ta trở thành một nước văn minh, đó là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, hành vi đi lại và hoạt động kinh doanh, mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí được thực hiện thường xuyên nhất. Tại các nước văn minh phương Tây, họ rất tôn trọng quyền cá nhân. Tại Nhật Bản, họ xem việc không làm phiền toái đến người khác như một nét văn hóa đặc trưng".
Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, có một yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị giảm chất lượng.
"Đó là việc người tiêu dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hóa, hay sử dụng dịch vụ thông qua thực hiện hành vi, lời nói, cử chỉ ăn mặc, sử dụng thiết bị cá nhân, đem theo vật nuôi không phù hợp với quy định, không phù hợp với không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục, không đảm bảo an toàn quyền lợi của người tiêu dùng khác mà có lẽ ai cũng gặp phải nhiều lần dù không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, chức vụ, điều kiện kinh tế. Nhiều người tiêu dùng, họ nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế".
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, mọi người cần được mua hàng hóa, sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn, cũng như đảm bảo quyền lợi khác.
Khoản 6 Điều 6 quy định về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng nêu quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành cũng quy định mọi công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.
Tuy nhiên, "Luật này là để cụ thể hóa về một nhóm đối tượng nên cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.
Nhấn mạnh dự án luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, dịch vụ và dịch vụ công nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật, tuy nhiên chưa được rà soát, bổ sung đầy đủ trong các điều, khoản trong luật.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng, cần bổ sung một số mối quan hệ pháp lý, như: Mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công với công dân, tổ chức, vì cơ quan Nhà nước không phải là một tổ chức kinh doanh và hoạt động không vì lợi nhuận.
Về Khoản 2 Điều 3 giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ "cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công" để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong dự thảo luật. Tại Khoản 4 Điều 3, đại biểu kiến nghị bổ sung từ "dịch vụ" sau từ "sản phẩm hàng hóa" để thể hiện tính bao hàm, vì thực tế đã xảy ra nhiều vụ, việc cung cấp dịch vụ khuyết tật, như các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ môi giới bất động sản, vận chuyển, quảng cáo…
Với cụm từ "nhằm mục đích sinh lợi" tại Khoản 2 Điều 3, đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi thành "nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận". Đại biểu nêu lý do tại Luật Doanh nghiệp 2020, Khoản 21 Điều 4 quy định rõ, kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, nên việc bảo đảm thống nhất đồng bộ trong dự thảo luật và giữa các luật khác trong hệ thống pháp luật là cần thiết.
Hải Liên
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/quoc-hoi-thao-luan-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-a16766.html