Cụ thể, giá cà phê tại Tây Nguyên tăng từ 100 - 300 đồng/kg, giá cao nhất ở mức 65.100 đồng/kg.
Theo đó, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng tăng 300 đồng/kg, ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá từ 64.300 – 64.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum tăng 100 đồng/kg, đứng ở mức giá 64.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao nhất là 65.100 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk tăng 200 đồng/kg, ở huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 64.900 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 65.000 đồng/kg.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hơn một tháng nay, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với những tháng đầu năm. Hiện nay, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 64.100 - 64.900 đồng/kg. Đây được cho là mức giá cà phê cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Bà Lương Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H'leo, Đắk Lắk), cho biết với Báo Đắk Lắk: Khi giá tăng lên 40.000 đồng/kg, các thành viên đã lần lượt bán ra đến 70% sản lượng (245 tấn), bởi cà phê giữ ở mức giá này khá lâu nên bà con tưởng không tăng nữa nên đã vội bán đi; còn một số ít bán được ở mức 50.000 đồng/kg và khi cà phê giá chạm mức 60.000 đồng/kg thì chỉ còn 5 – 6 tấn được hưởng lợi từ giá này.
Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Ea Wy có 110 ha cà phê, sản lượng đạt 350 tấn, hiện không còn cà phê nhân để bán, các thành viên hợp tác xã đều rất tiếc vì không ai ngờ được giá cà phê tăng cao ở mức này.
Còn Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) đã dự đoán giá cà phê tăng trong mức kỷ lục của 15 năm qua là 56.000 đồng/kg cà phê nhân, tuy nhiên tăng đến mức giá như hiện nay là không lường trước được.
Thời điểm này, hầu như cà phê trong dân không còn, doanh nghiệp do chịu áp lực tài chính nên mua đến đâu bán đến đó, ít doanh nghiệp còn trữ hàng để bán.
Giá cà phê trong nước đang ở mốc 65.100 đồng/kg, cao nhất 15 năm.
Giá cà phê Việt Nam neo cao có thể do ảnh hưởng bởi El Nino
Các chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê tăng cao trước hết là do cung không đủ cầu.
Hiện nguồn cung robusta tại các nước sản xuất hàng đầu trên thế giới bị thu hẹp do mất mùa, ngay cả ở Việt Nam khi cuối niên vụ 2021 - 2022, sản lượng được dự báo sẽ hụt 10 - 15%.
Với một cường quốc sản xuất cà phê như Việt Nam, bị hụt 10 - 15% sản lượng là rất lớn, sẽ tác động lên cung - cầu cũng như giá cà phê toàn cầu.
Bên cạnh đó, với suy thoái kinh tế và lạm phát xảy ra ở hầu hết với các nước trên thế giới thì người tiêu dùng chuyển sang cà phê giá thấp hơn so với arabica, các nhà rang xay buộc phải đáp ứng theo xu thế này và họ mua robusta nhiều hơn để phối trộn với arabica nhằm giảm giá cà phê xuống thấp hơn.
"El Nino đã xuất hiện" - thông tin được Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 8/6. Ngay sau đó, giá cà phê từ các sàn giao dịch ở London và New York liên tục tăng, vượt mọi kỷ lục về giá. Đây là nguyên nhân khiến giá cà phê ở những vùng trồng ở Tây Nguyên của Việt Nam tăng mạnh.
Trên thị trường thế giới, tính đến ngày 10/6, giá cà phê robusta giao tháng 7 trên sàn New York đã chạm ngưỡng kỷ lục 2.728 USD/tấn, tăng 46% so với hồi đầu năm nay và là mức cao nhất mọi thời đại.
Còn theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 5/2023, giá cà phê robusta thế giới đã tăng 5,9% so với tháng trước, lên trung bình 122,5 US cent/pound, mức cao nhất kể từ tháng 8/1995 (giá 130,2 US cent/pound). Trong tuần đầu tiên của tháng 6, giá cà phê robusta đã leo lên mức hơn 134 US cent/pound.
Cà phê robusta đã tăng lên mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2008, khiến người mua trên khắp thế giới phải trả giá đắt hơn để có được một loại cà phê giá rẻ.
Theo Economic Times, giá hợp đồng tương lai cà phê tại London đã tăng vọt lên tới 2.790 USD/tấn, mức cao nhất kể từ khi hợp đồng bắt đầu cách đây 15 năm.
Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ đã xác nhận sự quay trở lại của El Niño và các nhà dự báo tin rằng ít nhất nó sẽ ở mức trung bình và có thể mạnh.
Diễn biến thời tiết thường mang đến điều kiện nóng hơn và khô hơn cho các khu vực trồng cà phê robusta chính bao gồm Việt Nam và Indonesia, đe dọa nguồn cung quan trọng.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/mot-loai-hat-cua-viet-nam-dang-co-gia-cao-nhat-trong-15-nam-a18446.html