Tạo môi trường pháp lý chặt chẽ, minh bạch thông tin để phát triển thị trường trái phiếu

(Chinhphu.vn) - Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 chỉ đạo các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn và hiệu quả được chuyên gia tài chính đánh giá là cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, để bảo đảm thị trường ổn định, là một kênh dẫn vốn hiệu quả thì việc các công ty minh bạch thông tin là điều bắt buộc phải làm.

Liên quan đến vấn đề làm thế nào để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả, bên cạnh chỉ đạo của Thủ tướng, các chuyên gia tài chính cũng có những đề xuất cụ thể để tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings - Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính, phân tích ngành và dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng

Hiện nay, việc tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính bởi một loạt các vụ việc vi phạm trái phiếu; việc giao kết hợp đồng mua/bán trái phiếu được nhân viên ngân hàng tư vấn mập mờ khiến cho nhà đầu tư tưởng trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán. Ông có nhận định gì về ý kiến trên?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Thực tế diễn ra cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang khá khó khăn. Lượng trái phiếu phát hành mới gần như bị dừng lại trong 2 tháng gần nhất với giá trị lần lượt chỉ ở mức 6,8 nghìn tỷ đồng và 1,8 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang chịu áp lực đáo hạn, mua lại trước hạn lớn. Điều này khiến nghĩa vụ nợ trái phiếu cũng như nợ xấu ngân hàng dễ dàng bị vi phạm.

Vấn đề này đã được nhận diện sau những vụ vi phạm vừa qua và do đó, tôi kiến nghị các đơn vị tư vấn và phân phối nên cải thiện chất lượng cho hoạt động này qua việc chuẩn hóa quy trình phân phối và bán hàng, đặc biệt là khả năng tư vấn tài chính cho đội ngũ tư vấn viên. Bởi theo thông lệ quốc tế thì trái phiếu là một sản phẩm của dịch vụ hoặc nghiệp vụ ngân hàng đầu tư chứ không phải của dịch vụ ngân hàng thương mại thông thường. Do đó, rất khó để có thể để một nhân viên tại quầy ngân hàng vốn chỉ quen với phục vụ các dịch vụ đơn giản như tiết kiệm, tiền gửi, giao dịch chuyển tiền… có thể giới thiệu và tư vấn tốt cho khách hàng được về các sản phẩm có tính rủi ro như trái phiếu.

Chúng ta nên có những cẩm nang, hướng dẫn chi tiết cho hoạt động này, bao gồm và việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho đội ngũ tư vấn và phân phối trái phiếu (cùng với các sản phẩm đầu tư có tính rủi ro như chứng khoán nói chung). Các quy định này không nhất thiết được thực hiện bởi cơ quan quản lý mà có thể thông qua các hiệp hội như Hiệp hội trái phiếu hoặc Hiệp hội kinh doanh chứng khoán. Cơ quan quản lý chỉ tham gia bảo trợ và kiểm duyệt các tài liệu hướng dẫn đó. Các hiệp hội cũng nên có quy chế để bảo đảm có thể quản lý được việc tuân thủ thông lệ tốt đó.

Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo pháp luật

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 chỉ đạo các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả. Ông có đánh giá như thế nào về chỉ đạo trên?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Tôi cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là rất cần thiết và phù hợp trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ khẳng định trong Công điện: Chính phủ sẽ tạo hành lang pháp lý để quản lý nhà nước chặt chẽ, kịp thời hơn; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đề phòng sai phạm để làm sao cho các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản hoạt động an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, hiệu quả.

Các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm này đã có tác động tới tâm lý thị trường, hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định. Từ tháng 10 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập 3 tổ công tác. Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố.

Những khẳng định trên đã cho nhà đầu tư thấy Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Tôi cho rằng, để khai thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời điểm này bên cạnh việc tăng cường giám sát, kiểm tra, đề phòng sai phạm thì các biện pháp cần phải đòi hỏi các giải pháp mang tính liên ngành ngoài Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Ví dụ trái phiếu bất động sản chiếm tỉ lệ lớn và có rủi ro cao do cả các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài thì cũng liên quan đến cả Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bởi chúng tôi làm việc với nhiều định chế và nhà đầu tư trong quá trình thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp thì điều mà thị trường chưa quay lại đầu tư trái phiếu là do yếu tố rủi ro pháp lý dự án bất động sản khi mà trái phiếu đó huy động để thực hiện một dự án có địa điểm và thông tin cụ thể. Điều này thì không chỉ liên quan đến các cơ quan giám sát tài chính-tín dụng.

Do đó, các giải pháp nên theo hướng đồng bộ và đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan. Ví dụ nhà đầu tư khi đánh giá trái phiếu nếu có thể kiểm tra được tình hình pháp lý dự án bất động sản thông qua cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tóm tắt tình trạng pháp lý liên quan sẽ là điều rất tốt để có thể giúp không chỉ thị trường bất động sản mà cả trái phiếu hoặc tín dụng bất động sản.

Với những hành động, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và của cả hệ thống chính trị nhằm siết chặt, lấp những kẽ hở, khoảng trống về pháp lý, tôi tin thời gian tới, hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ổn định, bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Đề xuất các giải pháp trước mắt, trung và dài hạn

Để giải quyết các vấn đề và hướng tới khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong thời gian tới, theo ông cần những giải pháp cấp thiết nào?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Theo tôi, trước hết ngoài việc sửa đổi nhằm khai thông phía cung (qua việc áp dụng thời gian phân phối dài hơn, cung cấp hướng dẫn cơ cấu lại nợ) và phía cầu (qua việc lùi áp dụng định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp) thì các giải pháp vừa mang tính nền tảng dài hạn, vừa góp phần khôi phục niềm tin thị trường là vô cùng cần thiết, đó là vấn đề minh bạch thông tin.

Ví dụ hiện có tới 83% giá trị trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang lưu hành vào cuối tháng 10/2022 thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, trong khi các thông tin về tổ chức phát hành gần như "vắng bóng". Thông tin về phương án phát hành có trước đó vài năm cũng đã cũ và nội dung các bản chào hoặc phương án phát hành còn thiếu nhiều thông tin.

Việc minh bạch thông tin không có nghĩa là công khai ra công chúng mọi thứ mà tùy theo loại trái phiếu phát hành riêng lẻ thì doanh nghiệp nên cập nhật thông tin về năng lực tín dụng và khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ với trái chủ (thông qua cơ chế đại diện sở hữu) và thậm chí cả ngân hàng để có thể có những biện pháp mang tính chủ động và đàm phán một cách thích hợp.

Tôi tin là khi doanh nghiệp chủ động thì các nhà đầu tư sẽ trân trọng và cảm thông hơn. Tùy tình hình triển khai dự án và chất lượng tín dụng thì các bên có thể thỏa thuận một cơ chế lãi suất và điều khoản mới. Khi đó, các bên đều có cơ hội và giảm thiểu những tác động lan truyền sang cả cổ phiếu và có thể ảnh hưởng đến cả giá trị cổ đông. Vì thế, việc minh bạch thông tin là việc vô cùng cần thiết mà các doanh nghiệp bắt buộc phải làm.

Với những giải pháp trước mắt, tôi xin đề xuất 4 giải pháp ngắn hạn, cấp thiết.

Thứ nhất, có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao. Trong đó, cơ quan quản lý tích cực rà soát, đánh giá, phân loại xác định cụ thể nhà phát hành có rủi ro cao. Khu trú các doanh nghiệp yếu và sở hữu bởi nhiều nhà đầu tư cá nhân nhằm đưa ra phương án ổn định tâm lý.

Thứ hai, nhóm doanh nghiệp yếu phải chuẩn bị phương án hoặc tự tái cấu trúc nợ sớm nhất có thể. Riêng với trường hợp vi phạm cần đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục và quyết toán nghĩa vụ nợ. Muốn làm được điều này, vai trò của tòa án nên cần phát huy hơn nữa.

Thứ ba, nếu trái phiếu được bảo lãnh bởi ngân hàng, các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể hoãn lại. Cơ quan quản lý nên theo hướng thoáng hơn, tức không hạn chế mục đích sử dụng vốn theo chương trình dự án và bỏ yêu cầu kiểm toán mục đích sử dụng vốn.

Thứ tư, đẩy nhanh quá trình phê duyệt trái phiếu phát hành ra đại chúng khi hồ sơ doanh nghiệp đáp ứng điều kiện. Đồng thời, nhà phát hành muốn giải quyết hồ sơ nhanh cũng nên thuộc nhóm doanh nghiệp niêm yết, có xếp hạng tín nhiệm ở mức cao, áp dụng nhiều cơ chế hậu kiểm lớn.

Với các giải pháp trung và dài hạn, tôi xin đề xuất 4 giải pháp.

Thứ nhất là tiếp tục chuẩn hóa điều kiện phát hành trái phiếu; đa dạng hóa các sản phẩm.

Thứ hai là chuẩn hóa điều kiện hoạt động tư vấn và phân phối; cải thiện minh bạch thông tin và hoạt động thị trường thứ cấp tập trung.

Thứ ba là phát huy vai trò đại diện chủ nợ, tòa án và xem xét thành lập quỹ bảo lãnh; áp dụng xếp hạng độc lập và hình thành đơn vị định giá trái phiếu.

Thứ tư là mở rộng cơ sở nhà đầu tư định chế; đẩy mạnh đào tạo công chúng nhà đầu tư.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Giang Oanh (thực hiện)


Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/tao-moi-truong-phap-ly-chat-che-minh-bach-thong-tin-de-phat-trien-thi-truong-trai-phieu-a191.html