Giảm thời gian vận chuyển, tăng tiêu chuẩn chất lượng
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 503,4 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước. Sầu riêng chính thức vượt thanh long , trở thành sản phẩm mang lại trị giá lớn nhất trong các mặt hàng rau quả của Việt Nam. Sự tăng trưởng đột phá của sầu riêng đã nâng trị giá xuất khẩu rau quả trong tháng 5 tháng đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây là trị giá xuất khẩu trong 5 tháng cao nhất từ trước tới nay của ngành rau quả.
Có thể thấy, việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022 đang mở ra cơ hội lớn cho mặt hàng này. Giá sầu riêng đã tăng mạnh từ năm ngoái và có thời điểm chạm mốc gần 200.000 đồng/kg, mức giá cao nhất kể từ trước đến nay khiến sầu riêng trở thành “cơn sốt” với người dân. Hiện, thị trường Trung Quốc chiếm tới 95% tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Việc sầu riêng xuất khẩu kỷ lục, giúp người dân hưởng lợi khi giá bán tăng cao.
Trước sự bứt tốc của sầu riêng Việt, mới đây Thái Lan thông báo tự nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo đó, quả sầu riêng phải có chất khô tối thiểu đạt 35%, cao hơn so với trước đây là 32%, tức có ít nước hơn, múi chắc và ngon hơn. Đặc biệt, nước này vừa rút ngắn thời gian vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc còn hơn 4 ngày thay vì 8 -10 ngày như trước bằng cách khai thác tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung nằm trong hành lang thương mại biển - đất liền quốc tế mới.
Động thái này của Thái Lan được cho là để cạnh tranh và giành ưu thế trước sầu riêng Việt Nam bởi trước nay sầu riêng Thái Lan chiếm tới hơn 90% kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc.
Đánh giá về sự thay đổi với Thái Lan, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn so với Thái Lan vì giáp biên với Trung Quốc.
Việc vận chuyển sầu riêng bằng đường sắt của Thái Lan tuy rút ngắn thời gian nhưng làm tăng chi phí. Cụ thể, xuất hàng bằng đường sắt phải theo chuyến và khung thời gian nhất định, chi phí đầu tư container lạnh và máy phát điện đi kèm tốn kém. Trong khi đó, sầu riêng đi đường bộ chi phí đầu tư thấp và khối lượng vận chuyển lớn nên xuất sang Trung Quốc dễ dàng hơn.
“Đặc biệt, thế mạnh cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam được xác định là sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm. Trong khi sầu riêng Thái chỉ có theo mùa và thường bị dịch bệnh gây hại”, ông Nguyên nói.
Tránh tư duy "ăn xổi"
Đ ại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng việc tự nâng tiêu chuẩn sản phẩm cho thấy ý thức của người Thái trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thế nào. Dù xuất khẩu sầu riêng Việt tăng mạnh, nhưng trị giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam hiện mới chỉ bằng 1/3 mà sầu riêng Thái Lan thu được tại thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, đến nay sầu riêng Việt vẫn lép vế hơn so với sầu riêng Thái về thương hiệu nên giá bán thường thấp hơn 20%. Theo đó, sầu riêng Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai quốc gia này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu sầu riêng quy mô lớn hơn Việt Nam.
Sầu riêng Việt tuy có nhiều lợi thế nhưng hiện vẫn lép vế hơn so với sầu riêng Thái, Malaysia về thương hiệu và giá bán.
"Nếu muốn thắng và không bị tụt lùi trên thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam phải có thương hiệu. Các doanh nghiệp phải xây dựng uy tín từng lô hàng từ chất lượng sản phẩm, quy trình trồng, đóng gói, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến chiến lược bán hàng, truyền thông mới có thể cạnh tranh được trên thị trường Trung Quốc”, ông Nguyên cho hay.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - đánh giá, cuộc đua đưa sầu riêng vào Trung Quốc đang ngày càng trở nên khốc liệt khi có sự cạnh tranh của nhiều đối thủ. Ngoài Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, hiện còn có sầu riêng Philippines, Campuchia, Indonesia…
Theo bà Hạnh, Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 - 75.000 ha. Nhưng con số này hiện đã lên hơn 100.000 ha và vẫn tiếp tục tăng lên. Trong khi đến nay chỉ có khoảng 3-4% tổng diện tích này (tương đương với 3.000 ha) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Do đó, ngoài tận dụng các lợi thế mà không quốc gia nào có được, người trồng và doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo chất lượng ổn định, không làm ăn gian dối, tránh ăn xổi, mua bán cho mượn mã vùng trồng ảnh hưởng đến uy tín.
"Việt Nam không nên chạy theo về số lượng, mà phải ưu tiên cho chất lượng, nhất là sau câu chuyện bị thu hồi hơn 700 mã số vùng trồng và đóng gói trong thời gian gần đây", bà Hạnh cho hay.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/dong-thai-la-cua-thai-lan-khi-sau-rieng-viet-xuat-trung-quoc-cao-ky-luc-a20395.html