"Chủ nhân" của các khoản phải thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng với Bamboo Airways

Phần lớn các khoản phải thu Bamboo Airways của ACV đã được phân loại thành nợ xấu và đã trích lập dự phòng hơn 450 tỷ đồng.

Chủ nhân của các khoản phải thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng với Bamboo Airways - Ảnh 1.

Trong một số ngày qua, tin đồn về việc CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) "dự kiến nộp hồ sơ xin phá sản" đã lan truyền trên mạng xã hội. Hôm qua (14/7/2023), hãng hàng không này đã có phản hồi chính thức.

Theo thông cáo báo chí gửi đi, Bamboo Airways cho biết vẫn đang hoạt động ổn định. Trong thời gian vừa qua, hãng đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ. Hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để đảm bảo lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.

Tại BCTC kiểm toán năm 2022, Bamboo Airways có gần 3.087 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 1.315 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn, 551 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác.

Đồng thời, nợ vay tài chính ngắn hạn là 10.114,5 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Toàn bộ tài sản của công ty được tài trợ bằng nợ phải trả do vốn chủ sở hữu đã âm 835 tỷ đồng.

Chủ nhân của các khoản phải thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng với Bamboo Airways - Ảnh 2.

Bamboo Airways không công bố chi tiết khoản phải trả người bán thuộc về các đơn vị nào. Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp từ BCTC của nhiều doanh nghiệp, có nhiều đơn vị trong ngành hàng không đang ghi nhận những khoản phải thu lớn đối với Bamboo Airways.

Đây là những đối tác cung ứng hàng hóa dịch vụ trực tiếp để các hãng hàng không vận hành nên hầu như luôn tồn tại công nợ. Tuy nhiên có nhiều khoản đã quá hạn thanh toán và theo quy định bên cung ứng đã phải ghi nhận trích lập dự phòng khó đòi.

Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến khoản phải thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) với Bamboo Airways.

Cụ thể, tại ngày 31/3/2023, ACV ghi nhận 1.364 tỷ đồng phải thu đối với hãng hàng không trên, tăng 10,8% so với số đầu năm. Trong đó có 1.160 tỷ đồng được phân loại thành "nợ xấu", tăng 16,3% so với đầu năm. ACV đã phải trích lập dự phòng khó đòi 459,5 tỷ đồng cho khoản nợ xấu, tăng 75 tỷ đồng so với đầu năm.

Không chỉ riêng ACV, CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã chứng khoán: SAS) và CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (mã chứng khoán: SGN) cũng có những khoản phải thu đối với Bamboo Airways.

Trong đó, con số này trên BCTC hợp nhất quý I của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn là 50,8 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm còn của Sasco là 65,8 tỷ đồng, tăng 19%.

Được biết còn nhiều đơn vị khác cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho Bamboo Airways như các công ty nhiên liệu bay, suất ăn...

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/chu-nhan-cua-cac-khoan-phai-thu-len-den-hang-nghin-ty-dong-voi-bamboo-airways-a22079.html