2022 - Năm đầy biến động với kinh tế số

2022 là năm đầy biến động với ngành kinh tế số toàn cầu với nhiều cái tên startup từng nổi đình đám phải rời bỏ thị trường.

Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm đến một nửa. Bối cảnh này cho thấy những thách thức và cơ hội gì cho các doanh nghiệp công nghệ?

Có thể diễn tả cục diện của ngành kinh tế số , sức khỏe của doanh nghiệp công nghệ trong năm 2022 bằng hình ảnh "Đường cong sinh tồn". Đây là một loại đồ thị trong sinh học dùng để phản ánh tỷ lệ sống sót và khả năng thích ứng với môi trường của một loại sinh vật. Sinh vật ở đây xin được hiểu một cách ví von là doanh nghiệp công nghệ. Trục tung thể hiện số doanh nghiệp sống sót và trục hoành thể hiện số năm hoạt động.

2022 - Năm đầy biến động với kinh tế số - Ảnh 1.

Các startup công nghệ với bản chất là kinh doanh rủi ro cao, với tỷ lệ thất bại hơn 90%, nghĩa là có rất ít startup đi được đường dài, trở thành những "kỳ lân công nghệ" tầm vóc. Vậy năm 2022 ở đâu trên đồ thị này? Đó là năm các tác động từ khó khăn bên ngoài rất lớn, tạo ra một "điểm cong sống còn" khiến nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Những ai còn ở lại, phải vật lộn với bài toán cắt giảm nhân sự và tối ưu chi phí.

1 năm "thanh lọc" của giới công nghệ

Doanh nghiệp làm game ứng dụng công nghệ chuỗi khối blockchain Sky Mavis ghi nhận lượng người dùng thường xuyên trong năm 2022 sụt giảm đến 95% so với năm trước đó, do tác động tiêu cực từ thị trường.

"Để mô tả ngắn gọn là chuyển hướng từ "tấn công" sang "phòng thủ" nhiều hơn. Thay vì bung ra ngoài thị trường nhiều, thì tập trung vào tối ưu hóa chi phí, con người, hoạt động hiệu quả; tập trung nhiều hơn liên quan đến sản phẩm, tối ưu đội ngũ, thay vì tập trung đưa sản phẩm ra ngoài thị trường", ông Nguyễn Thành Trung, sáng lập, CEO Sky Mavis, nhà sản xuất game ứng dụng blockchain, chia sẻ.

Đến nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đã tiến hành cắt giảm hàng nghìn nhân sự, có trường hợp giảm đến 30%, thậm chí 50% số nhân sự hiện có. Một trong những nguyên nhân lớn là áp lực lạm phát đẩy mặt bằng lãi suất tăng làm tăng chi phí doanh nghiệp.

"Đã có nhiều điều tiếng trong giới công nghệ toàn cầu. Là các công ty đã huy động nhiều tiền đầu tư hơn mức cần thiết, với mức định giá doanh nghiệp cao hơn giá trị thực, với sự lạc quan thái quá. Đây là thời điểm kéo mọi thứ về lại với thực tế và tôi nghĩ điều này rất quan trọng để xây dựng một công ty bền vững và dài hạn", ông Eddie Thái, Giám đốc Quỹ đầu tư Ascend Vietnam Ventures, cho biết.

Theo giới quan sát, việc ồ ạt tuyển dụng, mở rộng trong thời điểm nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng cao vì đại dịch cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ phải trả giá. Sức ép lớn hơn khi nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên lợi nhuận hơn là tăng trưởng như trước.

"Nếu như các công ty startup trong giai đoạn này chỉ phụ thuộc vào gọi vốn để làm dòng tiền hoạt động cho doanh nghiệp thì sẽ rất rủi ro. Do đó, ác công ty khởi nghiệp trong giai đoạn này sẽ phải phát triển một cách độc lập nhất có thể. Tránh phụ thuộc vào dòng vốn bên ngoài, thậm chí là của cả quỹ đầu tư khởi nghiệp", bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc thị trường Việt Nam, Quỹ Genesia Ventures, cho hay.

Dù vậy, với các chuyên gia có góc nhìn tích cực, làn sóng cắt giảm nhân sự, chi phí hiện nay cũng tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp nhỏ có thể săn được nhân sự tốt với chi phí rẻ hơn trước.

Để có những phân tích rõ ràng hơn, PV đã có cuộc trao đổi với ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

PV: Khó khăn của thị trường công nghệ dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến năm nay, vậy Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đang cùng với đơn vị liên quan đang có giải pháp gì là cấp thiết nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam?

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tôi nghĩ giải pháp quan trọng nhất vẫn là thể chế chính sách, để làm sao thể chế đấy có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tìm được nhà đầu tư là khó, nếu rót vốn vào doanh nghiệp còn mất thời gian nữa thì sẽ mất cơ hội của doanh nghiệp. Ví dụ như các quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore, họ sẽ có những ưu đãi về thuế cho các quỹ này rất tốt, thậm chí nguồn thu về thuế là 0%. Nhưng Việt Nam hiện đánh ở mức như một doanh nghiệp thông thường. Chính vì vậy thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị để có những văn bản pháp lý cụ thể, để có ưu đãi cho những quỹ đầu tư mạo hiểm để họ cảm thấy ở Việt Nam hiện nay cũng có môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nghiên cứu của Google, Temasek, Bain and Company vẽ ra 3 kịch bản về "đường cong tăng trưởng" cho các ngành trong kinh tế số sắp tới.

Đầu tiên là dạng chữ "U", với những ngành đã chạm đáy vì tác động của đại dịch, sẽ phục hồi với tốc độ nhanh khi nhu cầu di chuyển, du lịch được khôi phục hoàn toàn. Hai ngành đi theo kịch bản này là vận tải và du lịch trực tuyến.

Thứ hai là việc quay trở lại đường xu hướng theo dạng chữ "V ngược", tức là với những ngành có sự tăng trưởng đột biến nhờ sự dịch chuyển nhu cầu người dùng trong đại dịch, chẳng hạn như giao đồ ăn trực tuyến hay nội dung số. Khi mọi thứ trở lại bình thường, tốc độ tăng chậm lại đáng kể để quay về mức như trước dịch.

Kịch bản thứ 3 là tăng trưởng theo "chữ S" dành cho những ngành được hưởng lợi trong dịch, nhưng sau dịch vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng nhờ nhu cầu người dùng không thay đổi. Rõ ràng nhất là ngành thương mại điện tử và thanh toán số.

Kinh tế số vẫn có nhiều động lực tăng trưởng

Lượng người dùng ngân hàng số của Cake by VPBank năm 2022 tăng gấp 3 so với năm trước đó cho thấy ngành thanh toán trực tuyến vẫn giữ được đà tăng trưởng sau cú hích từ đại dịch.

Dù vậy thay vì chọn cách đầu tư để tăng trưởng nóng, doanh nghiệp chọn chiến lược tăng tương tác người dùng sẵn có để tăng tần suất giao dịch, "chậm mà chắc".

"Thay vì tăng trưởng một cách ào ạt, để thu hút khách hàng thuần túy, chúng tôi tập trung thu hút khách hàng sử dụng những sản phẩm mang lại doanh thu. Chẳng hạn như thẻ tín dụng hay vay tiêu dùng. Dùng ngân sách marketing để hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, đi vào thực chất", ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank, cho biết.

Ngành kinh tế số năm qua cũng ghi nhận cuộc đua đầu tư vào những ngành mới, mang tính nền tảng, hạ tầng như đầu tư vào các trung tâm dữ liệu quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu tích cực, là tiền đề để doanh nghiệp Việt khai thác các ngành mới như điện toán đám mây mà hiện các ông lớn nước ngoài đang chiếm thị phần lớn.

"Việc đầu tư trung tâm dữ liệu là tiến trình phát triển tự nhiên của ngành kinh tế số Việt Nam. Có được ngày càng nhiều trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số dễ dàng với chi phí rẻ hơn, mà còn giúp thu hút các tập đoàn dịch vụ số lớn của nước ngoài như Google, Microsoft thuận lợi đầu tư vào Việt Nam", ông Gary Mckinnon, Giám đốc Cấp cao, Công ty Cổ phần VNG, nhận định.

Giữa bối cảnh khó khăn, giới đầu tư đánh giá thị trường Việt Nam vẫn là điểm sáng do có động lực tăng trưởng lớn về kinh tế số. Cuối tháng 12 vừa qua, gần 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã cam kết sẽ rót 1,5 tỷ USD đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Chính phủ ban hành đã xác định 1 trong 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là "Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp", cho thấy sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế số.

Sự thanh lọc của thị trường năm qua có thể khắc nghiệt, nhưng qua đó, các doanh nghiệp trụ lại cũng biết cách sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn, điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng bền vững, phù hợp hơn với tình hình mới, tạo bước đệm cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/2022-nam-day-bien-dong-voi-kinh-te-so-a2436.html