Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa gửi thư tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT Việt Nam) để thông tin về việc Hoa Kỳ mở cửa thị trường đối với quả dừa tươi Việt Nam.
Trước đó, ngày 7/8/2023, APHIS đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (ACIR) để phê duyệt việc nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam.
Để có được kết quả trên, APHIS cùng với Cục Bảo vệ thực vật đã thống nhất về báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại đối với quả dừa có một phần vỏ nhập khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Hai bên đã khẳng định không có sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật đi theo hàng hóa và xác định dưa tươi non đã loại bỏ một phần vỏ (ít nhất 3/4 lớp vỏ xanh bên ngoài), với nguy cơ lây lan sinh vật gây hại là không đáng kể.
Như vậy, quả dừa Việt Nam được nhập khẩu vào Hoa Kỳ có thể ở dạng được loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ ngoài và xơ dừa hoặc dạng quả dừa non đã loại bỏ ít nhất 75% (3/4) lớp vỏ xanh bên ngoài. Do APHIS phân loại quả dừa đã bỏ vỏ được coi là dừa thương phẩm không có khả năng nảy mầm. Cùi và nước dừa bên trong có thể dùng làm thức ăn, nên yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất là các lô hàng hóa này phải được kiểm tra tại các cảng nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Hiện tại, ngành dừa Việt Nam có vị trí quan trọng trên thế giới với diện tích trên 188 nghìn ha. Diện tích dừa Việt Nam chiếm 1,67% diện tích trên thế giới, 2,07% diện tích dừa châu Á. Tốc độ tăng diện tích dừa của Việt Nam khá cao, năm 2010, diện tích dừa Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới thì đến năm 2021, diện tích dừa Việt Nam đã xếp thứ 5 trên thế giới.
Quả dừa được phân loại là quả hạch. Quả dừa bao gồm lớp vỏ ngoài (còn gọi là vỏ ngoài), lớp vỏ quả giữa (xơ dừa) và lớp vỏ cứng của quả dừa nhỏ bên trong. Quả dừa nhỏ bên trong (hay còn gọi là hạt dừa) có lớp vỏ cứng, kết cấu gỗ, bao quanh cùi (nội nhũ) và chất lỏng (sữa hoặc nước). Hạt dừa có ba lỗ rỗng to, hơi trũng. Vỏ quả ngoài là lớp vỏ bóng, thường có xanh, màu vàng xanh đến vàng nâu.
Dừa là một loại cây trồng có giá trị và đa dụng vì có thể sử dụng trong công nghiệp chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau từ các bộ phận của cây dừa.
Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân và tạo ra giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đã đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới.
Hiện cả nước có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau như: chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa... giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động.
Hiện tại cũng có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó, có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu. Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.
Bến Tre được xem là thủ phủ dừa của cả nước. Tại Bến Tre, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đến cuối năm 2022, tổng diện tích dừa của tỉnh là hơn 78.000 ha, tăng 768 ha, diện tích đang cho trái là hơn 71.400 ha, với tổng sản lượng ước khoảng 688 triệu trái/năm. Trong đó diện tích dừa uống nước khoảng 15.850 ha chiếm tỉ lệ 20,3%; dừa hữu cơ của tỉnh đạt 17.200 ha, đến năm 2025 ước đạt hơn 20.000 ha dừa hữu cơ, tập trung trên vùng sản xuất dừa công nghiệp.
Hơn 70% người dân Bến Tre có kinh tế chủ yếu thu nhập từ cây dừa. Nhờ tích cực đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm dừa được nâng lên, giúp giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa đạt khoảng 3.300 tỷ đồng/năm, chiếm trên 12% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.