Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/8 tại Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast đóng cửa với mức giá 37,06 USD/cp, tăng 68,4% so với mức giá chào sàn (22 USD). Khối lượng khớp lệnh trong phiên đầu tiên đạt mức gần 6,8 triệu cổ phiếu.
Với con số trên, giá trị vốn hóa của hãng xe điện này sau phiên giao dịch đầu tiền tại Mỹ đạt mức 85,5 tỷ USD, gấp 3,7 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD và gấp hơn 3 lần định giá lại sau khi sát nhập thành công với Black Spade.
Thậm chí, với mức 85,5 tỷ USD đã biến VinFast lọt vào top 5 những hãng sản xuất xe có vốn hóa lớn nhất trên thế giới. Con số trên cũng giúp vốn hóa công ty xe điện đến từ Việt Nam vượt mặt nhiều ông lớn như Mercedes - Benz, BMW, Volswagen, Honda, Ford...
VinFast niêm yết thành công trên Nasdaq đã nối dài danh sách thành viên tỷ USD vốn hóa trong hệ sinh thái của Vingroup. Trước đó, từ tập đoàn mẹ Vingroup (VIC – niêm yết 2007) đến Vincom Retail (VRE – 2017), Vinhomes (VHM – 2018), các doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng đều mang đến “bom tấn” cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, mức vốn hóa của VinFast đã vượt xa cả công ty trên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/8 tại Việt Nam, giá trị vốn hóa của Vingroup là khoảng 11,2 tỷ USD. Trong khi đó, con số này của Vinhomes là khoảng 11,4 tỷ USD và Vincom Retail là 3 tỷ USD.
Sự kiện VinFast niêm yết chắc chắn sẽ tạo ra cú huých lớn đối với Vingroup. Hoạt động định giá lại của giới đầu tư có thể tác động tích cực đến Vingroup bởi chỉ tính riêng phần vốn trong VinFast (51%) đã có giá trị hơn 43 tỷ USD, vượt xa mức vốn hóa hiện tại của tập đoàn này. Đây là còn chưa kể các tài sản và công ty con khác đều có giá trị rất lớn. Theo phương pháp cộng gộp từng phần (SOTP), Vingroup có thể coi là đang được định giá rẻ.