Chỉ số MXV-Index giảm liên tiếp 5 ngày

(Chinhphu.vn) - Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu đóng cửa ngày 16/8 với diễn biến giá phân hoá. Nhóm nông sản và công nghiệp đón nhận lực mua tích cực. Trong khi đó, các mặt hàng kim loại, năng lượng đồng loạt chịu sức ép bán.

Lực bán chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày giảm 0,14% xuống 2.218 điểm, nối dài chuỗi giảm sang ngày thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư ổn định trở lại, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở tăng liên tục 5 ngày, đạt trên 4.100 tỷ đồng.

Cà phê Arabica giảm 7 ngày liên tiếp

Giá Arabica hợp đồng tháng 9 đánh dấu phiên giảm thứ 7 liên tiếp, chốt ngày hôm qua ở mức thấp hơn 0,23% so với tham chiếu. MXV cho biết, thị trường vẫn đang có cái nhìn tích cực về sản lượng và xuất khẩu cà phê tại Brazil.  

Diễn biến cùng chiều, giá Robusta giảm phiên thứ 3 liên tiếp với mức giảm 1,58% so với tham chiếu. Trong bối cảnh hiện tại, giới phân tích đánh giá, giá Robusta khó có thể tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện tại.  

Cũng trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi Reuters, các nhà phân tích cho rằng, El Nino sẽ gây ra thời tiết bất lợi tại các vùng trồng cà phê chính tại châu Á, dẫn đến sản lượng thấp hơn, nhưng việc đẩy mạnh xuất khẩu tại Brazil ở thời điểm hiện tại sẽ khiến giá rơi xuống mức 2.300 USD/tấn vào cuối năm nay. 

Dầu WTI mất mốc 80 USD/thùng

Theo MXV, lo ngại về các điều kiện vĩ mô tại 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đã tạm thời lấn át rủi ro về nguồn cung, kéo giá dầu nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/8, giá dầu WTI đánh mất mốc 80 USD/thùng sau khi giảm gần 2%, chốt phiên tại mức giá 79,38 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 1,7% xuống 83,45 USD/thùng.

Đêm qua theo giờ Việt Nam, Uỷ ban Thị trường mở liên bang (FOMC) công bố Biên bản cuộc họp lãi suất ngày 26/7. Mặc dù có một số các quan điểm trái chiều về kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); tuy nhiên, Biên bản ghi chú rằng “Hầu hết những người tham gia tiếp tục nhận thấy rủi ro tăng đáng kể đối với lạm phát, điều này có thể đòi hỏi phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ”. 

Sau khi Biên bản được công bố, đồng USD tăng giá, lợi suất trái phiếu tăng và thị trường rủi ro như chứng khoán giảm điểm, phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất vẫn có khả năng tăng, hoặc neo ở mức cao trong thời gian dài.  

Công cụ theo dõi Fed Watch cho thấy tỉ lệ cho rằng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 tăng từ 10% lên hơn 13%. Điều này cũng đã gây sức ép tới giá dầu trong phiên, bất chấp dữ liệu từ Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tồn kho giảm. 

Cụ thể, EIA cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm gần 6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/8, khá sát với dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) trước đó. Xuất khẩu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng mạnh trở lại, trong khi nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao, phản ánh nhu cầu nội địa và nhu cầu thế giới đối với dầu Mỹ gia tăng.

Tuy nhiên, sản lượng dầu của Mỹ cũng tiếp tục tăng mạnh thêm 100.000 thùng/ngày trong tuần trước, đạt 12,7 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2020. Điều này góp phần bù đắp cho sự thiếu hụt trên thị trường và thúc đẩy lực bán trên thị trường. 

Bên cạnh đó, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran đã đạt được một bước vài bước đột phá nhỏ, làm gia tăng kỳ vọng một phần dầu thô từ Iran có thể quay lại thị trường sau một thời gian dài chịu lệnh trừng phạt. 


Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/chi-so-mxv-index-giam-lien-tiep-5-ngay-a25747.html