Thị trường smartphone gập khởi sắc

Hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất đang theo đuổi kiểu dáng thiết bị gập

Khái niệm smartphone gập ngày nay không phải là thiết bị gập dạng vỏ sò vốn phổ biến trước đây. Lúc đó, điện thoại chủ yếu còn xài bàn phím cơ và màn hình kính cứng chỉ có thể gập đôi ở giữa màn hình và bàn phím. Ngày nay, với công nghệ tấm nền dẻo, smartphone gập có màn hình có thể gập.

Màn hình được mở rộng

Điện thoại được thiết kế gập để giảm diện tích, dễ bỏ túi khi di chuyển. Hiện smartphone gập còn mở rộng màn hình làm việc cho người dùng có nhu cầu sử dụng màn hình lớn. Đơn cử, Galaxy Z Fold5 của hãng Samsung khi gập như một smartphone bình thường với màn hình ngoài 6.2 inch và khi mở ra sẽ có màn hình trong lớn 7.6 inch.

Laptop màn hình gập ThinkPad X1 Fold

Là một trong những người sở hữu Galaxy Z Fold5 đầu tiên được bán ở Việt Nam tối 11-8, nhà báo Ngô Trần Thịnh, phụ trách Bộ phận Nội dung số Trung tâm tin tức - Đài Truyền hình TP HCM (HTV), chia sẻ: "Tôi chọn sử dụng điện thoại gập vì cần có màn hình lớn do đặc trưng của công việc phải thường xuyên duyệt video và thực hiện các phóng sự trên nền tảng sóng và số của HTV. Tôi vẫn dùng Z Fold2 mua cách đây 3 năm và việc đa nhiệm trên thiết bị Fold đáp ứng tốt những yêu cầu của tôi. Cập nhật lên Fold5 sẽ có thêm bút và chip xử lý nhanh hơn, giúp tôi xử lý công việc tốt hơn".

Thị trường smartphone màn hình gập hiện chỉ có những "ông lớn" trong ngành tham gia cuộc chơi này. Đó là Huawei (từ năm 2019 với Mate X), Motorola (công bố năm 2019 với Razr 2019), Samsung (từ năm 2020 với Galaxy Z Flip), Xiaomi (năm 2021 với Mi MIX Fold), OPPO (năm 2021 với Find N), Vivo (năm 2022 với X Fold), Google (tháng 5-2023 với Pixel Fold), Honor (tháng 7-2023 với Magic V2)... Trong số này, Samsung có nhiều lợi thế cả công nghệ lẫn sản xuất và đầu tư lớn cho smartphone gập. Thực tế ngoại trừ Samsung ra đã tạo được biểu tượng, các hãng khác hầu như vẫn chỉ ở trong giai đoạn thăm dò, chứng minh công nghệ và khẳng định với người dùng khả năng sản xuất smartphone gập. Nhiều nhà sản xuất cho đến nay vẫn chưa thể đạt được độ hoàn thiện về smartphone gập. Sau khi đã mất hàng chục năm để phát triển công nghệ tấm nền OLED bằng nhựa dẻo có thể gập lại nhiều lần, nhiều hãng vẫn loay hoay với cái bản lề, làm sao để nó không chỉ bền, êm mà còn có thể giúp hai bên màn hình khi gập lại càng khít càng tốt và lúc bung ra thì nếp gấp càng được xóa mờ càng tốt. Ngay cả Samsung, phải đến thế hệ gập thứ 5, họ mới phát triển được cái bản lề Flex mới để thiết bị khi gập lại hầu như không còn khe hở.

Thị trường smartphone gập khởi sắc - Ảnh 2.

Sử dụng điện thoại gập để duyệt video và thực hiện các phóng sự. Ảnh: Minh Trí

Với chiếc smartphone gập Xiaomi MIX Fold 3 ra mắt ngày 14-8 vừa qua, Xiaomi cho biết bản lề độc quyền của hãng đã đạt chứng nhận TÜV Rheinland Extreme Folding với khả năng gập lên tới 500.000 lần. Tại sự kiện ra mắt OPPO Find N2 Flip vào cuối tháng 3, theo ông Văn Bá Luýt, Giám đốc sản phẩm của OPPO Việt Nam, Find N2 Flip đã giải quyết được 4 cái "nhược" của điện thoại gập. Đó là: màn hình ngoài nhỏ (Find N2 Flip có màn hình bên ngoài lớn nhất 3.26 inch); nếp gấp màn hình (nếp gấp nhỏ bằng 1/2); cấu hình camera thấp (camera Hasselblad với cảm biến chính Sony IMX890 50MP và cảm biến selfie Sony IMX709 32MP); kết hợp chip NPU hình ảnh MariSilicon X, pin thấp (pin cả ngày 4.300 mAh sạc siêu tốc SuperVOOC 44W).

Thêm nhiều ứng dụng hỗ trợ

Theo trang công nghệ The Verge, khi Samsung phát hành điện thoại Fold cao cấp đầu tiên của mình, đó là một kỳ tích kỹ thuật. Về cơ bản, đó là điện thoại thông minh dày và cao có thể mở ra thành một chiếc máy tính bảng. Nhưng cơ chế gập khiến bị bám bụi và "miếng bảo vệ màn hình" được dán sẵn sẽ làm hỏng màn hình vĩnh viễn nếu bị tháo ra. Hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất, từ Honor đến Google, đều đang theo đuổi kiểu dáng thiết bị gập.

Trong khi đó, trang Make Use Of - MUO đưa ra 9 cái thiếu khiến smartphone gập vẫn chưa thể phổ biến. Đó là: giá (cần) thấp hơn; màn hình chính bền hơn; không có khe hở cho không khí len vào khi gập màn hình; không có nếp gấp trên màn hình; kháng bụi; tỉ lệ hiển thị thống nhất; thời lượng pin tốt hơn; thiết kế bản lề tốt hơn; được nhiều ứng dụng hỗ trợ. Tuy nhiên, cây bút công nghệ Mỹ lâu năm Umar Shakir nhận định: "Với xu hướng các sản phẩm có thể gập đang ngày càng dồi dào thì một cuộc chiến giá cả đang cận kề".

Rõ ràng, với sự góp mặt thêm của những thương hiệu có thị phần tốt và sự xuất hiện của ngày càng nhiều mẫu mã, thị trường smartphone gập đã bắt đầu khởi sắc hơn so với vài năm trước đây. Người ta hy vọng khi Google đã tham gia cuộc chơi với smartphone gập, hệ điều hành Android do Google phát triển sẽ được tinh chỉnh để hỗ trợ tốt hơn smartphone gập, từ đó có thêm nhiều ứng dụng hỗ trợ. 

Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường smartphone gập thế giới có thêm các mẫu Huawei Mate X3, Vivo X Fold2, Vivo X Flip, Google Pixel Fold, Motorola Razr 40 Ultra và Razr 40, Honor Magic V2, Samsung Galaxy Z Fold5 và Z Flip2, Xiaomi MIX Fold 3.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/thi-truong-smartphone-gap-khoi-sac-a25790.html