Mặc kệ trào lưu xe điện, 1 hãng taxi vẫn quyết định thay dàn 10.000 xe Toyota mới

Trong khi taxi điện đang xuất hiện ngày một nhiều hơn trên đường phố thì hãng taxi Mai Linh mới đây đã ký kết đầu tư 10.000 xe Toyota thay thế cho các xe cũ trong vòng 5 năm kể từ 2023.

Mặc kệ trào lưu xe điện, 1 hãng taxi vẫn quyết định thay dàn 10.000 xe Toyota mới - Ảnh 1.

Ngày 15/8, Công ty ô-tô Toyota Việt Nam, Công ty Tài chính Toyota (TFSVN) và Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh vừa ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược, đánh dấu bước khởi đầu cho việc hợp tác lâu dài giữa Toyota Việt Nam và Tập đoàn Mai Linh.

Theo thỏa thuận hợp tác, Tập đoàn Mai Linh sẽ đầu tư 10.000 xe trong vòng 5 năm kể từ 2023, xây dựng kế hoạch thay thế xe cũ bằng các mẫu xe mang thương hiệu Toyota.

Toyota Việt Nam sẽ cung cấp các mẫu xe với mức giá ưu đãi, đồng thời áp dụng các ưu đãi khác về chuỗi giá trị và dịch vụ chính hãng chất lượng. Công ty Tài chính Toyota sẽ hỗ trợ về tài chính, áp dụng lãi suất ưu đãi.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho biết với kinh nghiệm 34 năm, từ lâu, Mai Linh đã xác định sản phẩm xe của Toyota là phù hợp nhất, được ưa chuộng nhất đối với nhà đầu tư cũng như khách hàng và Toyota là đối tác cung cấp phương tiện hàng đầu, quan trọng nhất của Mai Linh.

Mặc kệ trào lưu xe điện, 1 hãng taxi vẫn quyết định thay dàn 10.000 xe Toyota mới - Ảnh 2.

Lễ ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Toyota Việt Nam, TFSVN và Tập đoàn Mai Linh.

Tập trung đầu tư lại lượng xe bị sụt giảm sau đại dịch, tăng cường kêu gọi phát triển xe hợp tác kinh doanh, đầu tư phương tiện mới là 1 trong những chiến lược phát triển trung và dài hạn mà Mai Linh đã đề ra trong giai đoạn 2022-2027.

Tuy nhiên, quyết định mạnh tay đầu tư tới 10.000 xe Toyota diễn ra có phần bất ngờ khi trước đó, trong BC thường niên 2022 của Mai Linh cho hay ông Hồ Huy và Ban Lãnh đạo đã gặp gỡ nhiều đối tác tại Châu Âu để nghiên cứu, tìm hiểu về chiến lược thâm nhập thị trường xe điện, hướng đến vận tải không khói.

Trong các mục tiêu phát triển bền vững (môi trường, xã hội và cộng đồng) và chương trình chính liên quan đến ngắn hạn và trung hạn của Mai Linh cũng có đoạn "Theo đuổi mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, đầu tư hoạt động xe buýt điện và triển khai dự án sử dụng xe điện thay thế xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch".

Mặc kệ trào lưu xe điện, 1 hãng taxi vẫn quyết định thay dàn 10.000 xe Toyota mới - Ảnh 3.

Xe taxi xanh GSM.

Trong nước, 1 số hãng taxi truyền thống và taxi Xanh SM, công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang tích cực phủ "xanh" thị trường vận tải hành khách còn nhiều tiềm năng này.

Là doanh nghiệp taxi đầu tiên ở Việt Nam sử dụng xe ô tô điện, sau một năm triển khai dịch vụ taxi điện, tháng 3 năm 2023, LADO Taxi quyết định thuê 500 xe điện VinFast và mua bổ sung 40 chiếc VF e34.

Với kinh nghiệm đã triển khai taxi điện, ông Dương Kim Thế Tuyên - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy, đơn vị sở hữu thương hiệu LADO Taxi cho biết, xe điện là lựa chọn tương đối hợp lý khi tính đến yếu tố chi phí.

Ngoài việc chi phí chạy điện tiết kiệm hơn chạy xăng, LADO Taxi hưởng lợi từ chính sách miễn phí trước bạ ô tô điện và giảm một khoản không nhỏ chi phí nhờ chính sách thuê pin của VinFast.

Thông tin thêm, ông Tuyên cho hay, sau một năm sử dụng xe điện, doanh nghiệp giảm được 32 - 37% chi phí vận hành so với xe xăng. Khách hàng phản hồi tốt và ưu tiên lựa chọn dịch vụ xe điện.

Về một số bất tiện như ít trạm sạc, quãng đường xe chạy được sau một lần sạc còn ngắn, dự kiến doanh nghiệp sẽ phối hợp đơn vị cung cấp xe để triển khai các giải pháp như: cập nhật phần mềm, lắp thêm trụ sạc công suất lớn, đầu tư thêm xe điện mới có cự ly chạy dài hơn...

Mặc kệ trào lưu xe điện, 1 hãng taxi vẫn quyết định thay dàn 10.000 xe Toyota mới - Ảnh 4.

Dàn xe VF e34 trong lễ bàn giao cho Lado Taxi hồi năm 2022. Ảnh: VinFast.

Một hãng taxi lớn khác tỏ ra thận trọng hơn với kế hoạch kinh doanh taxi điện, tuy nhiên cũng đưa việc nghiên cứu, tiếp cận và kinh doanh xe điện là một chỉ tiêu trong năm nay đó là Vinasun.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Phó Tổng giám đốc Vinasun Trần Anh Minh đã chia sẻ, xe điện là một phương tiện, không phải mô hình kinh doanh. Trước đây, các loại xe đang sử dụng nhiên liệu hoá thạch, nay đang hướng tới nhiên liệu tái tạo. Bên cạnh xăng, dầu, đã có xe dùng khí hoá lỏng, hydrogen, và đang tiếp cận mô hình hybrid – điện và xăng. Sắp tới sẽ hướng tới xe điện, về lý thuyết là phương tiện sạch và xanh, đó là điều Công ty đang hướng tới.

Tuy nhiên với một doanh nghiệp vận tải taxi, cần phải đánh giá mọi tính khả thi ở mọi phương diện khi đưa một phương tiện vào kinh doanh. Hiện nay, một công ty như Vinasun phải quan tâm đến 4 lĩnh vực: chi phí đầu tư; chi phí vận hành; chi phí bảo dưỡng, phụ tùng; và giá xe khi thanh lý và tính thanh khoản. Hiện nay, trên các phương tiện đang có mức độ so sánh giữa xăng và điện. Nhưng với Vinasun, điện chỉ là một phần, còn phải tính toán đến chi phí pin. Phải tính toán giữa xăng và pin, điện.

Điều tiếp theo phải cân nhắc là chi phí thời gian, chi phí cơ hội đối với một chiếc xe khi vận hành, cụ thể là thời gian chờ đợi sạc điện để lưu hành, và tính sẵn sàng sạc điện. Khi cung và cầu của các trạm sạc thay đổi trong tương lai, khi xe điện có xu hướng gia tăng, vị trí và tính phổ biến của các trạm sạc sẽ cực kỳ quan trọng.

Ông Minh cho biết, Vinasun phải tính được hiệu suất thời gian, chi phí cơ hội của anh em lái xe với hoạt động này. Vinasun đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tính khả thi, và chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội để triển khai.

Kế hoạch trước mắt, Vinasun cũng sẽ đầu tư mua sắm một số xe hybrid, xe điện để đa dạng hóa giúp khách hàng tăng trải nghiệm.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/mac-ke-trao-luu-xe-dien-1-hang-taxi-van-quyet-dinh-thay-dan-10000-xe-toyota-moi-a25855.html