Chuyển 500 triệu đồng xong mới tá hỏa bị lừa đảo

Các đường dây lừa đảo không ngại việc "đầu tư" công cụ và vẽ ra vô vàn chiêu thức nhằm dẫn dụ nạn nhân sập bẫy.

Công nghệ 4.0 không chỉ mang tới nhiều tiện ích cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính, nhưng cũng kéo theo sự bùng nổ các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Không chỉ gia tăng về số lượng mà thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo cũng ngày càng tinh vi và khó lường hơn rất nhiều.

Năm 2022 ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó, lừa đảo tài chính chiếm 75,6%; còn lại là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân - theo thống kê của Bộ thông tin truyền thông.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

"Muôn hình vạn trạng" chiêu thức

Các đường dây lừa đảo không ngại việc "đầu tư" công cụ và vẽ ra vô vàn chiêu thức nhằm dẫn dụ nạn nhân sập bẫy.

Trong đó, hình thức lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi. Làm nhiệm vụ nhận hoa hồng, thông báo trúng quà tặng từ các thương hiệu, vay tiền nhanh không cần giấy tờ...là những chiêu trò phổ biến thường được sử dụng. Đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền, vay tiền dễ dàng, các đối tượng xấu liên tục đăng tải những nội dung chào mời khách hàng tham gia các hội nhóm trên Zalo hay Telegram, hoặc nhấn và các đường link lạ để đầu tư online hoặc vay tiền qua tín dụng đen.

Tình trạng lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi trên điện thoại cũng được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như giả danh nhân viên ngân hàng hoặc các tổ chức uy tín để gọi điện, nhắn tin thông báo dữ liệu hay tài khoản của khách hàng đang gặp vấn đề, yêu cầu họ chia sẻ hoặc cập nhật thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền.

Lừa đảo qua email

Gửi email tới khách hàng thông báo yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân hoặc bấm vào đường link chứa phần mềm độc hại. Những phần mềm đó có thể làm mất quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng và chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản.

Lừa đảo tuyển dụng

Không chỉ riêng những người đang cần vay vốn hay đầu tư online mà thậm chí các bạn trẻ cũng là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo. Hiểu được tâm lý cần tìm việc làm của số đông sinh viên mới ra trường, kẻ xấu thậm chí còn tạo lập tài khoản săn ứng viên trên các nền tảng tìm kiếm việc làm. Sau khi giới thiệu công việc với mức lương cao, chúng sẽ hướng dẫn các bạn sinh viên tham gia nhóm trên telegram, yêu cầu nạp tiền làm nhiệm vụ để "đánh giá ứng viên trong quá trình thử việc".

Chuyển 500 triệu đồng xong mới tá hỏa bị lừa đảo - Ảnh 1.

Nền tảng giả mạo logo, màu và nhận diện thương hiệu ngày càng tinh vi, gây nhầm lẫn cho người dùng. Ảnh minh họa

Nở rộ giả mạo Fintech để chiếm đoạt tiền

Tình trạng giả mạo các tổ chức tài chính công nghệ (Fintech) để lừa đảo khách hàng diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi. "Lãi suất 30-40%", "Đi ngủ vẫn kiếm được tiền", "Vay tiền dễ dàng không cần giấy tờ"...là những lời quảng cáo mà đối tượng xấu đăng tải nhằm thu hút sự chú ý của những người có nhu cầu đầu tư sinh lời. Thậm chí, đối tượng lừa đảo sử dụng logo, tự xây dựng các trang website, ứng dụng y hệt "chính chủ" khiến người dùng không thể phân biệt.

Mặc dù nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lên tiếng cảnh báo nhưng số lượng nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo vẫn ngày một gia tăng.

Đại diện công ty CP 3Gang (ứng dụng fintech cho phép người dùng bắt đầu tích lũy từ 30.000 đồng) chia sẻ, lợi dụng uy tín và tên tuổi của doanh nghiệp, nhiều đối tượng xấu đã giả mạo là nhân viên của công ty để kêu gọi người dân tham gia mua bảo hiểm, vay nặng lãi.

"Đã có trường hợp chuyển cho bên giả mạo gần 500 triệu đồng, đến khi liên hệ với 3Gang "chính chủ" mới tá hỏa biết mình bị lừa", vị này cho hay.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, trước hết, người dân cần nâng cao ý thức và cảnh giác với những liên hệ lạ trên mạng xã hội. Nên có cái nhìn đa chiều, tiếp nhận có chọn lọc và cẩn trọng trước những quảng cáo lôi kéo vay tiền, làm giàu đột biến.

Sau khi tiếp nhận cần phải kiểm chứng thông tin. Người dùng có thể tra cứu trên Appstore hoặc CH Play, nếu như app cần tìm xuất hiện trên cả 2 kho ứng dụng thì có thể sử dụng.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần kiểm tra website và fanpage cũng như tính công khai minh bạch của doanh nghiệp đó thông qua địa chỉ trụ sở làm việc.

"Không có Fintech hay ngân hàng nào cho vay qua mạng với những thủ tục đơn giản Việc yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính lại càng sai. Đó chính là lừa đảo. Khi cần vay tiền, người dân nên đến trụ sở các ngân hàng, công ty tài chính làm hợp đồng, có chữ ký, xác minh rõ ràng", một chuyên gia tài chính khuyến nghị.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/chuyen-500-trieu-dong-xong-moi-ta-hoa-bi-lua-dao-a26211.html