Trong 7 tháng, một loạt hạt mang về cho Việt Nam gần 2 tỷ USD, tăng 10% cùng kỳ

Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu loại hạt này đạt 335.000 tấn, trị giá 1,94 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Trong 7 tháng, một loạt hạt mang về cho Việt Nam gần 2 tỷ USD, tăng 10% cùng kỳ - Ảnh 1.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 7, xuất khẩu hạt điều đạt 54,67 nghìn tấn, trị giá gần 304,4 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và tăng 12,8% về trị giá so với cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 335.000 tấn, trị giá 1,94 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.805 USD/tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 7 tháng 2023, xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hạt điều sang Mỹ, thị trường lớn nhất của ngành điều đạt 88.903 tấn với trị giá hơn 512 triệu USD, tăng 0,7% về lượng và tăng 0,32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá kinh tế suy yếu, lạm phát tăng cao, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới giảm nhập khẩu hạt điều, ảnh hưởng tiêu cực lên ngành điều toàn cầu nói chung, trong đó có Việt Nam.

Cùng với rau quả, cà phê và gạo, điều là 1 trong 4 nhóm hàng thuộc nhóm nông sản có mức tăng trưởng dương trong 7 tháng qua. Tuy nhiên, dù có tăng trưởng nhưng về tổng thể, nhóm hàng này đã có mức suy giảm mạnh trong năm ngoái.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 520.000 tấn hạt điều, trị giá 3,09 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và 15,1% về trị giá so với 2021.

Mặc dù xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2022 giảm so với năm 2021, nhưng Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số một thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu.

Xuất khẩu hạt điều năm 2022 của Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như xung đột địa chính trị làm nhu cầu tiêu thụ hạt điều giảm, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng có xu hướng tăng tiết kiệm, giảm chi tiêu cho thực phẩm không thiết yếu trong đó có hạt điều.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2023, nhập khẩu hạt điều của nước ta đạt 363.435 tấn với kim ngạch hơn 392,3 triệu USD, tăng 16,1% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu hạt điều của cả nước đạt hơn 1,73 triệu tấn với kim ngạch 2,11 tỷ USD, tăng mạnh 26,5% về lượng và tăng 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhập khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm đạt 1.229 USD/tấn, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà cung cấp hạt điều lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Campuchia. Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 802,3 triệu USD để nhập khẩu 587.160 tấn hạt điều từ quốc gia này, giảm 14,5% về lượng và giảm 23,47% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong khi nhập khẩu hạt điều từ thị trường chủ chốt có phần sụt giảm thì nhập khẩu hạt điều từ thị trường Indonesia ghi nhận tăng vọt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhập khẩu hạt điều từ quốc gia này trong 7 tháng đầu năm đạt 3.881 tấn với kim ngạch hơn 4,7 triệu USD, tăng 109,2% về lượng và tăng 69,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo quý III/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ nhích lên nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng phục vụ tiêu dùng cuối năm, tuy nhiên mức tăng sẽ không nhiều.

Đánh giá trong tổng thể chung của kinh tế toàn cầu và các thị trường nhập điều chính của Việt Nam, xuất khẩu hạt điều sẽ không thể đạt mức 3,8 tỷ USD như kế hoạch từ đầu năm mà sẽ đạt quanh ngưỡng như năm ngoái, ở mức 3,05-3,15 tỷ USD.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/trong-7-thang-mot-loat-hat-mang-ve-cho-viet-nam-gan-2-ty-usd-tang-10-cung-ky-a26843.html