Những yếu tố quan trọng về phát triển dữ liệu số tại Việt Nam

Dữ liệu số là dữ liệu được thu thập và tạo ra trên các nền tảng số, các hệ thống thông tin… giống như dầu sau khi được lọc/chế biến, có thể sử dụng, khai thác để tạo ra thông tin, tri thức.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, ngày nay, chúng ta cứ 2 ngày lại tạo ra được lượng dữ liệu số tương đương lượng dữ liệu số được tạo ra từ những ngày đầu của loài người đến năm 2003 (5 exabytes – 1 tỷ Gb). Để hình dung về độ lớn của dữ liệu số trên thế giới: cứ mỗi hạt cát trên trái đất tương đương với 400.000 bytes dữ liệu.

Dữ liệu số Việt Nam là tài nguyên quốc gia mới trong công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nói: đây là loại tài nguyên mới không tiêu hao, càng dùng thì càng nhiều lên, càng dùng thì càng tạo ra giá trị hơn. Giá trị của dữ liệu thể hiện ở việc biến nó thành thông tin, thành tri thức của đất nước, của nhân loại.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm đưa người dân lên các nền tảng số với 35 nền tảng số quốc gia được công bố phát triển, và hàng trăm nền tảng số khác được các doanh nghiệp ra mắt. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm dữ liệu số Việt Nam để thúc đẩy sự bùng nổ dữ liệu trên các nền tảng số Việt Nam.

Yếu tố thể chế

Trong bức tranh tổng thể về thể chế dữ liệu số của Việt Nam, việc quản trị và phát triển dữ liệu số đã được quy định rải rác trong các văn bản quản lý chuyên ngành, như Luật CNTT năm 2006, Nghị định 64, Nghị định 47… và nhiều văn bản quản lý chuyên ngành khác. Tuy nhiên, có thể nói, hành lang pháp lý về dữ liệu số vẫn chưa hoàn thiện.

Thứ nhất là các quy định về dữ liệu số chưa được hệ thống hoá, đồng bộ mà được chỉ được đề cập theo các khía cạnh khác nhau ở các văn bản khác nhau, chưa hình thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh. Thứ hai, các quy định về dữ liệu số hiện hành mới chỉ tập trung ở khu vực nhà nước, chưa đưa ra các quy định quản lý đối với xã hội, người dân, doanh nghiệp.

Có thể nói, một trong những hạn chế lớn nhất đối với thể chế dữ liệu số hiện nay là chưa thể chế hoá được quan điểm “dữ liệu số là một loại tài nguyên mới”. Làm được điều này sẽ giúp rộng đường cho việc xây dựng hành lang pháp lý về dữ liệu số từ các khía cạnh khác: kinh tế dữ liệu số, hạ tầng công nghệ, nhân lực…

Yếu tố kinh tế dữ liệu số

Dữ liệu số sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào rất giá trị và vô tận đối với nền kinh tế số. Dữ liệu số sẽ giúp tăng hiệu suất kinh doanh theo cấp số nhân, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo ra những dư địa phát triển mới cho doanh nghiệp, thậm chí có thể thay đổi cơ cấu nền kinh tế.

Thống kê cho biết mỗi ngày các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực tạo ra khoảng 2 tỷ tỷ bytes dữ liệu. Theo dự báo của McKinsey, các doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu lớn có thể giúp ngay lập tức tăng 60% lợi nhuận kinh doanh và có khả năng tìm kiếm khách hàng mới cao gấp 23 lần các doanh nghiệp khác.

Khi dữ liệu số được coi là tài nguyên mới, nó sẽ mặc định trở thành một mặt hàng có thể kinh doanh, giao dịch, và điều này đồng nghĩa với việc xã hội sẽ hình thành thị trường dữ liệu số với các quan hệ kinh tế, các hoạt động kinh doanh dữ liệu số. Đây sẽ là một thị trường khổng lồ. Theo GlobeNewswire, thị trường dữ liệu năm 2021 có tổng giá trị ước tính 162,6 tỷ USD, dự báo vào năm 2026 sẽ có tổng giá trị 273,4 tỷ USD.

Việc hình thành một thị trường với quy mô lớn và có xu hướng phát triển nhanh chóng, khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động sở hữu, giao dịch, quy định trách nhiệm giữa các bên trở nên cực kỳ quan trọng. Một hành lang pháp lý về dữ liệu số hoàn toàn có thể thiết lập lại luật chơi giữa những người sở hữu, những người thu thập và những người kinh doanh dữ liệu - nơi mà hiện tại lợi ích đang nằm nhiều trong tay các Big Techs toàn cầu.

Yếu tố hạ tầng, công nghệ

Hạ tầng, công nghệ chính là yếu tố giúp chuyển dữ liệu số từ dầu thô thành vàng. Hạ tầng dữ liệu số (Cloud, Data Centers, cơ sở dữ liệu quốc gia…) chính là những nền tảng quan trọng nhất cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Trong khi công nghệ dữ liệu đang dần trở thành một nhân tố cốt lõi trong chiến lược và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ năm 2019, đã có 97,2% doanh nghiệp cho biết đang đầu tư vào dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo phục vụ hoạt động kinh doanh.

Yếu tố nhân lực

Nguồn nhân lực về dữ liệu số trong kỷ nguyên mới sẽ là những lao động có giá trị cao hàng đầu trên thị trường lao động. Đó là những Data Engineer (kỹ sư), Data Analyst (chuyên gia phân tích dữ liệu) hay Data Scientist (nhà khoa học dữ liệu).

Yếu tố nhận thức

Quyền sở hữu của cá nhân đối với tài nguyên mới hiện vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và đúng đắn. Người dùng, trong đó có người dùng Việt Nam, hiện đang quá dễ dãi trong việc trao “tài nguyên mới” của mình cho người khác một cách miễn phí hoặc để đổi lấy các dịch vụ miễn phí, người Việt lại càng dễ dãi và thiếu nhận thức trong việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ “tài nguyên mới” của mình trên không gian mạng.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/nhung-yeu-to-quan-trong-ve-phat-trien-du-lieu-so-tai-viet-nam-a2909.html