Thị trường 5G có thể đạt giá trị 14,5 tỷ USD trong năm nay

Giới chuyên môn dự báo, thị trường viễn thông 5G sẽ tăng trưởng phi mã trong những năm tới, một phần nhờ vào làn sóng ứng dụng liên quan tới vũ trụ ảo (metaverse).

Theo hãng nghiên cứu thị trường TrendForce, đầu tư cho 5G sẽ chạm mốc 14,5 tỷ USD ngay trong năm 2023, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp mong muốn sở hữu hạ tầng 5G của riêng mình nhằm triển khai các ứng dụng chuyển đổi số. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn, cho phép thị trường đạt tới mốc 37 tỷ USD vào năm 2026, với mức tăng trưởng thường niên khoảng 11%.

Những lĩnh vực chính chứng kiến sự bùng nổ của 5G gồm: Sản xuất công nghiệp, năng lượng, giải pháp y tế, phương tiện thông minh, giao thông công cộng, điện tử tiêu dùng… Trong đó, sản xuất công nghiệp sẽ là lĩnh vực chủ đạo, chiếm khoảng 32% ngân sách đầu tư, trong bối cảnh các nhà sản xuất mong muốn 5G sẽ giúp họ "thông minh hoá" các dây chuyền sản xuất, đồng thời có được các số liệu thống kê, phân tích tốt hơn, qua đó tối ưu hoá việc quản lý, vận hành.

Lĩnh vực năng lượng cũng sẽ hưởng thụ nhiều ích lợi từ kết nối 5G trong giai đoạn tới, đặc biệt về các công cụ giám sát sản xuất và dự đoán chu kỳ bảo dưỡng. Mảng giải pháp y tế (ước chiếm khoảng 15% thị phần 5G) nhờ hạ tầng kết nối tốt hơn sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh của các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ từ xa, qua đó cải thiện chất lượng chăm sóc y tế ở các vùng sâu, vùng xa.

Đối với phương tiện thông minh và giao thông công cộng (khoảng 25% thị phần 5G), loạt đầu tư mới sẽ tạo nền tảng để các nhà sản xuất ô tô tung ra những hệ thống hỗ trợ người lái (ADAS) tốt hơn, tận dụng hiệu quả độ trễ truyền tải dữ liệu cực thấp của 5G. Nhiều giải pháp "di chuyển trong vai trò dịch vụ" (MaaS), như thuê xe, ứng dụng gọi xe… cũng sẽ tiếp tục nở rộ.

Về phần mình, thị trường điện tử tiêu dùng sẽ có hàng loạt sản phẩm điện thoại thông minh, đồ gia dụng và các thiết bị số mới… tận dụng tối đa khả năng kết nối 5G.

Thị trường 5G có thể đạt giá trị 14,5 tỷ USD trong năm nay - Ảnh 1.

Công nghệ mới luôn đòi hỏi hạ tầng kết nối vượt trội, là thứ 5G hứa hẹn có thể cung cấp được.

Đáng chú ý, các dự báo đều chỉ ra, một động lực chính góp phần thúc đẩy 5G tăng trưởng mạnh mẽ sẽ là các ứng dụng liên quan tới metaverse. Dù khái niệm này còn khá mới mẻ, nhưng những ứng dụng và ích lợi mà nó mang lại là khá rõ ràng và có nhiều tiềm năng trong tương lai. Đây cũng là lý do khiến hàng loạt công ty viễn thông, như Nokia, Ericsson, Huawei… đều có tham vọng khai thác các cơ hội với metaverse. Dĩ nhiên, để làm được điều này, họ sẽ cần những nền tảng điện toán tốc độ cao và kết nối ở quy mô rộng, thứ 5G có thể mang lại, nhằm tạo ra những không gian ảo kết nối toàn cầu theo thời gian thực.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/thi-truong-5g-co-the-dat-gia-tri-145-ty-usd-trong-nam-nay-a3049.html