Nghịch lý logistics Việt: Có đến 34.000 DN hoạt động nhưng chưa ai có thể “xuất ngoại”

Dù vậy, các hãng tàu vẫn xem Việt Nam là điểm dừng.

Nghịch lý logistics Việt: Có đến 34.000 DN hoạt động nhưng chưa ai có thể “xuất ngoại” - Ảnh 1.

Những năm gần đây, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện và có xu hướng mở rộng. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Việt Nam được đánh giá ngày càng cao về tiềm năng cũng như cơ hội phát triển dịch vụ logistics. Năm 2022, Việt Nam vươn lên vị trí Top 10 trong bảng xếp hạng của Agility về Chỉ số logistics các thị trường mới nổi, cho thấy sự thành công của Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng của mình và tính sẵn sàng trong việc tiếp nhận sự chuyển dịch của các tập đoàn sản xuất đa quốc gia lớn trên toàn cầu.

Theo đánh giá của Agility, Việt Nam có khả năng thu hút các doanh nghiệp tên tuổi nhất trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh mà theo khảo sát của Agility, từ năm 2023, Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ sẽ trở nên những địa chỉ sản xuất và gia công hấp dẫn hơn so với Trung Quốc, trong đó Đông Nam Á sẽ là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp có kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất.

Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương thì Việt Nam mới chính thức gọi tên ngành logistics trong vài năm gần đây. Hạ tầng đúng là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên ngành logistics, chính vì vậy hạ tầng cần phải đi trước một bước… Và chúng ta đang nỗ lực để thay đổi yếu tố này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ phải thay đổi hạ tầng tĩnh của các trung tâm logistics tại các địa phương. Vấn đề này ở các địa phương chưa phát triển cũng như nhận thức đồng bộ kể cả địa phương có lợi thế…

Ông Hải bày tỏ lo ngại năng lực của doanh nghiệp logistics. Bởi theo thống kê Việt Nam hiện có khoảng 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, con số không nhỏ, nhưng đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn rất ít chủ yếu hoạt động tại Việt Nam chưa vươn ra quốc tế. Trong khi kim ngạch Việt Nam đã xuất khẩu ra khoảng 200 thị trường trên thế giới.

“Ngành logistics Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi cho phát triển nhiều Hiệp định thương mại tự do đã ký kết tạo động lực thúc đẩy hàng hóa đi ra bên ngoài. Xu hướng thu hút đầu tư thay đổi cũng giúp đẩy vốn đầu tư khỏi Trung Quốc và có thể sẽ vào Ấn Độ hay Việt Nam. Nhưng thách thức của chúng ta là chuyển đổi nhanh xanh hóa trong chuỗi cung ứng. Cả chuỗi cung ứng yêu cầu xanh chúng ta cũng phải xanh nếu không chúng ta sẽ bị đẩy ra ngoài chuỗi. Đây là vấn đề doanh nghiệp cần nhanh nhạy tìm hiểu và thay đổi” , ông Hải nói.

Nghịch lý logistics Việt: Có đến 34.000 DN hoạt động nhưng chưa ai có thể “xuất ngoại” - Ảnh 2.

Thực tế, mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực như trên, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, trên thực tế vẫn còn có một số tồn tại hạn chế và thách thức.

Thứ nhất, về thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Khung khổ pháp lý đối với ngành logistics được ban hành nhiều văn bản, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các cụ thể các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.

Thứ ba, hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.

Thứ tư, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…

Bổ sung về xu hướng phát triển logistics trong thời gian sắp tới, ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping cho rằng, ngành shipping giao hàng, logistics... đều có tiềm năng lớn, Việt Nam thực tế cũng đang làm tốt mặc dù còn có những vấn đề này vấn đề khác. Các hãng tàu vẫn xem Việt Nam là điểm dừng. Bởi nhìn lại thì thấy 15 năm trước, Việt Nam không có một dịch vụ nào trực tiếp đến châu Âu và Mỹ La tinh thì nay đã có hơn 200 tuyến đường, điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một ngôi sao sáng là điểm đến cho các nhà đầu tư.

Theo đó, Việt Nam nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những công nghệ này, bằng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại để hỗ trợ hoạt động logistics hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam có thể xem xét đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư, giảm thuế để thu hút thêm đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực logistics. Điều này có thể bao gồm việc thành lập các đặc khu kinh tế hoặc khu công nghiệp với mức giá ưu đãi cho việc áp dụng công nghệ, nghiên cứu và phát triển…

Xem thêm:

Tin liên quan

Chỉ bằng một sáng kiến, ngôi sao đang lên ở châu Á đe dọa ngành từng là mũi nhọn của Trung Quốc

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/nghich-ly-logistics-viet-co-den-34000-dn-hoat-dong-nhung-chua-ai-co-the-xuat-ngoai-a31748.html