Kỳ vọng trở thành "bếp ăn quốc dân"

KIDO hiện là một trong những tập đoàn thực phẩm thiết yếu hàng đầu Việt Nam và đang từng bước hiện thực hóa tham vọng vào tốp doanh nghiệp tỉ USD

Dẫn đầu thị phần kem lạnh, đứng thứ 2 về thị phần dầu ăn, có một mùa bánh trung thu toàn thắng với doanh thu tăng 60% so với kế hoạch, mảng bánh tươi tăng trưởng đúng định hướng, hoàn tất mua 68% vốn tại Công ty CP Thọ Phát Quốc tế (Thọ Phát)..., Công ty CP Tập đoàn KIDO (KIDO) có quá nhiều lợi thế để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn thực phẩm số 1 Việt Nam.

Sẽ có bò kho, cà ri gà, rau củ hấp... ăn liền

Dẫn chúng tôi tham quan nhà máy của Thọ Phát ở Khu Công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP HCM), ông Trần Lệ Nguyên - đồng sáng lập, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KIDO - không giấu sự tự hào. Tại đây không chỉ có nhà xưởng hiện đại, hệ thống quản trị tiên tiến mà còn có bộ máy nhân sự với tác phong làm việc chuyên nghiệp, khoa học.

Mảng kinh doanh mới từ công ty con Thọ Phát được xác định là mảnh ghép quan trọng của KIDO trong chiến lược mở rộng ngành bánh. Theo ông Trần Lệ Nguyên, với hệ thống 450.000 điểm bán ngành hàng thực phẩm thiết yếu, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh, cùng cơ sở hạ tầng, nhà máy sản xuất hiện đại, hệ thống logistics rộng khắp, năng lực quản trị hiệu quả..., KIDO tự tin có thể tích hợp các lợi thế để đưa Thọ Phát phát triển nhanh chóng, vượt trội.

Đáng chú ý, với sự am hiểu khẩu vị, xu hướng thưởng thức, tập đoàn thực phẩm hàng đầu này sẽ đảm nhận khâu phát triển và đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Mục tiêu là hiện thực hóa kế hoạch biến Thọ Phát thành "bếp ăn quốc dân" của người Việt và hướng đến xuất khẩu sang 30 nước trong vòng 5 năm tới. KIDO cũng đặt mục tiêu phát triển 1.000 đại lý, 1.200 cửa hàng Mini Bao, 100.000 điểm bán lẻ và 100% MT (Modern Trade - cửa hàng hiện đại) cho Thọ Phát trên toàn quốc.

Nói thêm về lý do mua lại Thọ Phát, CEO Trần Lệ Nguyên cho biết KIDO không chỉ nhắm đến giá trị doanh thu hơn 100 tỉ đồng/tháng mà còn muốn khai phá tiềm năng lớn từ thương hiệu bánh bao nổi tiếng này. "Từ nền tảng của Thọ Phát, chúng tôi sẽ phát triển thêm nhiều món ăn khác. Sẽ có bò kho, cà ri gà, thịt kho, cá kho, rau củ hấp... ăn liền chất lượng cao, không chứa chất bảo quản được xuất xưởng, phục vụ nhu cầu ăn ngon, nhanh, sạch của xu thế tiêu dùng hiện đại" - ông hào hứng.

Kỳ vọng trở thành bếp ăn quốc dân - Ảnh 1.

Với thương vụ mua lại 68% vốn tại Công ty CP Thọ Phát Quốc tế, KIDO đã bổ sung một mảnh ghép quan trọng trong chiến lược mở rộng ngành bánh

Những bước đi chiến lược

Thành lập năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô, sau 10 năm hoạt động, KIDO đã vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường bánh kẹo trong nước.

Năm 2015, Kinh Đô bất ngờ bán mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelẽz (Mỹ), thu về khoảng 10.000 tỉ đồng và chính thức đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn KIDO. Thời điểm đó, thị trường bánh kẹo đã bão hòa, xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi. Nếu tập trung vào mảng này thì sẽ rất vất vả trong khi tăng trưởng lại thấp.

"Do đó, khi được trả giá cao, chúng tôi chấp nhận từ bỏ vị trí "người dẫn đầu" để tập trung vào mảng thực phẩm thiết yếu, cũng nhằm hoàn thiện chiến lược làm chủ một hệ sinh thái hàng tiêu dùng thiết yếu mà chúng tôi đang ấp ủ" - ông Nguyên giải thích.

CEO KIDO tính toán nếu vẫn giữ mảng bánh kẹo, tập đoàn chỉ đạt mức tăng trưởng 3%-4%/năm, không thể vượt doanh số 10.000 tỉ đồng - cách xa mục tiêu 15.000 tỉ đồng trong năm nay.

Trước đó, KIDO đã có thương vụ đình đám đầu tiên vào năm 2003 khi mua lại kem Wall’s của Unilever, phát triển 2 nhãn hiệu kem Merino và Celano. Anh em ông Trần Lệ Nguyên cũng tham gia mảng dầu ăn từ năm 2012 - 2013 thông qua việc mua 24% cổ phần của Tổng Công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), sau đó đấu giá thêm và nắm quyền chi phối 95,46% cổ phần dầu Tường An cùng 87,3% cổ phần Vocarimex.

"Khoản tiền lớn thu từ việc bán mảng bánh kẹo được dồn vào phát triển mảng kem và dầu ăn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mua nhiều công ty nhỏ, tận dụng và tối ưu hóa nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nguồn lực sẵn có của họ để đi nhanh hơn, tiết kiệm hơn" - ông Nguyên cho biết.

Kỳ vọng trở thành bếp ăn quốc dân - Ảnh 2.

Ông Trần Lệ Nguyên - đồng sáng lập, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO Ảnh: PHƯƠNG AN

Thành công từ sự khác biệt

Sau khi nói lời chia tay thị trường bánh kẹo nhiều năm, gần đây, KIDO bất ngờ quay lại mảng này với một hướng đi khác biệt, tránh đối đầu trực tiếp với "người cũ".

Năm 2022, bánh tươi KIDO chính thức ra mắt thị trường và nhận được phản hồi tích cực từ nhà phân phối lẫn người tiêu dùng. Cũng trong năm này, bánh trung thu KIDO ra đời và sớm "cháy hàng". Ông Trần Lệ Nguyên - với tài năng vượt trội của một đầu bếp giỏi - đã trực tiếp tham gia phát triển mẫu, đưa nguyên liệu nguồn gốc nước ngoài vào bánh tươi, nghiên cứu công thức bảo quản bánh lâu hơn. Bánh trung thu cũng vậy, sự khác biệt đến từ nguyên liệu, công thức, kỹ thuật làm bánh đã chinh phục được những người tiêu dùng kỹ tính.

Đọc thêm
Bánh bao sườn nướng ngon khó cưỡng Cận cảnh 5 loại bánh bao lạ ở Hà Nội

"KIDO thành công là nhờ đội ngũ sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm cái mới. Tuy nhiên, mọi sáng tạo phải dựa trên cơ sở hiểu thị trường thì mới thành công" - ông Nguyên bày tỏ.

Trở lại với thương vụ đầu tiên, KIDO đã làm nên kỳ tích khi chỉ 6 tháng sau tiếp nhận, thương hiệu kem Wall’s đã có lãi và tăng trưởng đều đặn 20%-30%/năm. Kể cả trong giai đoạn dịch COVID-19, mảng kinh doanh này vẫn đạt tăng trưởng dương.

Mảng kem của KIDO đã có sự thay đổi lớn với việc ra đời của nhiều loại kem trái cây nhiệt đới. Nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu thuần Việt, sản phẩm đã "đánh" đúng thị hiếu người Việt. "Chúng tôi chọn tập trung phát triển một số sản phẩm hiệu quả, đặc biệt xác định phân khúc giá phù hợp cho thị trường rồi mới tính toán cho khớp với sản phẩm" - ông Nguyên tiết lộ bí quyết.

Năm 2023, dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nhưng các mảng hoạt động của KIDO vẫn tăng trưởng tốt. Lợi nhuận trước thuế của tập đoàn dự kiến khoảng 900 tỉ đồng. Thời gian tới, KIDO tập trung phát triển đa ngành trong mảng thực phẩm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác ở Trung Quốc, Indonesia... để đưa kem, dầu ăn, bánh bao... xuất ngoại. 

Như nhiều doanh nghiệp khác, KIDO cũng có những thương vụ thất bại, những sai lầm trong đầu tư, như vụ góp vốn vào Tribeco, Nutifood hay dự án hợp tác với Vinamilk, dự án mì ăn liền Đại Gia Đình. Trong kinh doanh, không phải cứ có tiền, có tâm huyết, biết cách làm là thành công mà quan trọng là phải biết điểm dừng, biết buông để bảo toàn nguồn lực".

Tổng Giám đốc KIDO TRẦN LỆ NGUYÊN

Tự tin vận hành trung tâm thương mại

CEO KIDO nêu quan điểm: Muốn kinh doanh mảng nào thì phải am hiểu mảng đó và có được sự ủng hộ để gia tăng cơ hội thành công.

Ông Trần Lệ Nguyên kể 20 năm trước, do không am hiểu về bán lẻ nên doanh nghiệp đã khoán cho Parkson khai thác, vận hành Hùng Vương Plaza. Nay Parkson rút lui khỏi Việt Nam, KIDO đã kịp có kinh nghiệm vận hành Vạn Hạnh Mall nên tự tin hồi sinh Hùng Vương Plaza.

CEO Trần Lệ Nguyên nhận xét: "Người tiêu dùng ngày nay không còn thích ra phố mà có xu hướng vào trung tâm thương mại để mua sắm, vui chơi, ăn uống. Với nhu cầu trải nghiệm cá nhân gia tăng, cần thiết có nhiều lựa chọn theo hướng đa dạng hóa để đáp ứng nhiều gu tiêu dùng khác nhau. Chúng tôi thiết kế tăng không gian cho các nhãn hàng, thu hẹp không gian siêu thị tổng hợp và đặt kế hoạch sẽ mở thêm một số trung tâm thương mại khác" .

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/ky-vong-tro-thanh-bep-an-quoc-dan-a32156.html