Mặc dù việc giảm thuế GTGT được cho là mang lại lợi ích kép, kéo giá thành sản phẩm giảm, giúp người tiêu dùng được mua hàng với giá rẻ hơn, qua đó giúp mang lại doanh thu tốt hơn cho doanh nghiệp nhưng theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, đa số người tiêu dùng không quan tâm đến mức giảm này.
Sáng 17-10, anh Nguyễn Trung Thanh (ngụ quận 8, TP HCM) ghé tiệm bún mọc quen thuộc dưới chân cầu chữ Y, mua 4 phần bún trị giá 180.000 đồng mang về.
Cũng như những khách hàng khác, anh Thanh trả tiền mặt, chủ tiệm thu tiền và không xuất hóa đơn hay phiếu thu. "Chỗ này bán bún mộc giá 45.000 đồng, quanh năm suốt tháng chỉ có 1 giá nên không ai để ý là có hay không có thuế GTGT trong đó" - anh Thanh cho biết.
Mức giảm 2% thuế GTGT chưa tác động nhiều đến tâm lý người tiêu dùng
Chị Nguyễn Thị Phương Ngọc, nhân viên văn phòng làm việc ở quận 1, TP HCM, thường xuyên đặt trà sữa, cà phê muối và nhiều món ăn vặt qua app. Chị cũng không để ý số tiền phải trả cho mỗi đơn hàng được tính thuế GTGT thế nào.
"Giá trên bill (hóa đơn) luôn là số chẵn nên khả năng cửa hàng đã tính GTGT vào giá bán. Có điều, từ đầu năm đến giờ không thấy giá hàng nào giảm, chỉ có tăng nên không biết khoản giảm 2% thuế GTGT đó tính vào đâu" - chị Phương Ngọc phản ánh.
Tại các chợ lẻ, cửa hàng tạp hóa vẫn duy trì hình thức mua bán truyền thống, người mua càng không có cơ sở kiểm chứng xem có được giảm 2% trên từng món hàng mình mua hay không. Ngay cả 1 số quán ăn lớn, có nơi hóa đơn tính tiền ghi rõ "không bao gồm 8% thuế GTGT".
Chị Tuyền, quản lý quán chay Bông Súng ở quận 3, cho biết chỉ một số ít khách hàng hỏi "có được giảm 2% GTGT không". Lý do, theo chị Tuyền, mức giảm này chưa đủ hấp dẫn.
"Trung bình mỗi khách vào quán sẽ chi tiêu 200.000 đồng, giảm 2% thì tổng tiền được giảm là 4.000 đồng, không đáng kể" - chị Tuyền giải thích. Để giữ chân khách, Bông Súng giữ ổn định giá bán, chăm chút dịch vụ, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Giám đốc marketing 1 doanh nghiệp bán lẻ thì lý giải hầu hết người tiêu dùng chưa có thói quen kiểm tra hóa đơn và đòi hỏi bên bán cung cấp hóa đơn mỗi khi mua hàng hóa/dịch vụ, vì vậy đứng ở góc độ người tiêu dùng, được giảm 2% thuế GTGT không có tác động đáng kể. Tuy nhiên, về tổng thể, việc giảm thuế GTGT giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp nên cũng mang giá trị tích cực trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Cũng liên quan đến thuế GTGT, Bộ Tài chính cho biết Văn phòng Chính phủ đã có công văn đồng ý với đề xuất giảm thuế GTGT 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, việc giảm thuế GTGT sẽ tiếp tục được thực hiện từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 30-5-2024. Việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ tiếp tục được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Việc giảm thuế sẽ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/vi-sao-nguoi-tieu-dung-tho-o-voi-giam-thue-gtgt-2-a32682.html