Lần đầu tiên tại Việt Nam, một dòng chip phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G đã được phát triển và thử nghiệm thành công bởi những kỹ sư người Việt tại Viettel. Đó là dòng chip 5G DFE, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây.
Việc các kỹ sư Việt Nam làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip cao cấp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tự chủ công nghệ, trong bối cảnh thế giới chưa thương mại hoá dòng chip 5G.
Chip 5G và tương lai công nghệ sản xuất chip của Việt Nam
Con chip 5G DFE được sản xuất theo công nghệ của TSMC 22 nano mét, với 200 triệu transitor. Mỗi transitor chỉ cách nhau có 22 nano mét, nghĩa là bằng 1/500 của một sợi tóc. Số lượng chân để cắm vào đế là 2.000 chân trong khi những con chip cấp thấp hiện tại Việt Nam làm được chỉ khoảng 8 chân.
Trước đây, khi nghiên cứu và phát triển các thiết bị viễn thông 4G, Viettel có thể mua được những dòng chip 4G được thiết kế bởi các hãng chip phổ thông. Tuy nhiên, với công nghệ 5G thì khác. Hiện chỉ có 5 - 6 nước nắm công nghệ làm chip 5G và chưa thương mại hoá. Không có nguồn cung chip 5G là một thách thức đối với những hãng như Viettel muốn làm thiết bị viễn thông 5G nhưng chưa tự chủ được chip.
Tiến sĩ Lê Thái Hà - Kỹ sư trưởng công nghệ, Trung tâm vi mạch Viettel Hightech - nhận định: "Với nền tảng Việt Nam, để tiếp xúc, làm chủ được công nghệ này thì từ năm 2018, 2019 về trước là không thể. Đây là những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong thiết kế chip. Chúng tôi đã được hỗ trợ của Synopsys, cử đội ngũ kỹ sư sang R&D Center ở Bỉ. Qua trao đổi với những kỹ sư nắm giữ công nghệ lõi đó, chúng tôi hiểu rằng kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tới đẳng cấp đấy".
Ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á - cho biết: "Tôi rất xúc động khi mà Viettel thông báo cho tôi là người đầu tiên khi chip sản xuất xong mang về chạy với kết quả rất tốt. Chúng tôi đánh giá đây là một thành công rất nhanh của một start-up trong một thời gian ngắn để nắm vững công nghệ thiết kế con chip có thể cạnh tranh với các hãng làm chip hàng đầu trên thế giới để thiết kế ra bộ phát sóng 5G".
Nếu ví 4G là mặt đường hẹp thì 5G chính là hệ thống đường cao tốc chất lượng cao, đưa đất nước tiến lên chuyển đổi số và đẩy nhanh nền kinh tế tri thức. Việc thiết kế thành công con chip 5G, trái tim của hệ thống 5G, không chỉ chứng minh người Việt Nam làm được, mà quan trọng hơn là nó đặt nền móng cho những bước đi quan trọng tiếp theo. Và điều này rất cần những cơ chế thích hợp để tạo đà bước tiếp.
Tiến sĩ Lê Thái Hà cho rằng: "Những sản phẩm vòng đầu như thế này, để ra lợi nhuận và có tiền tái đầu tư tiếp thì rất khó khăn nên phải có đầu tư trước. Đơn cử một sản phẩm thiết bị công nghệ tích hợp chip của người Việt Nam thiết kế cần phải có ưu đãi, ví dụ về chính sách thuế, thì nhu cầu tích hợp chip trên sản phẩm sẽ cao lên".
Ông Trịnh Thanh Lâm cho biết: "Việc đầu tư cho các start-up cũng như đầu tư cho các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam vẫn rất ít. Nhưng biết hợp tác với những người đứng đầu thế giới để làm ra những con chip có thể cạnh tranh sòng phẳng với những con chip đứng đầu thế giới thì đây là một điều chúng tôi rất tự hào. Synopsys cũng đang cố gắng thuyết phục các khách hàng lớn ở trên thế giới của mình, để giới thiệu với họ những năng lực thiết kế chip của các công ty Việt Nam và hy vọng họ sẽ đưa các công việc đó về để chúng ta chứng tỏ được năng lực của mình".
Chip 5G DFE là một ví dụ cho thành tựu mới nhất của Việt Nam trong làm chủ được những sản phẩm chip cao cấp mà chỉ có ít nước trên thế giới làm được. Nó giúp đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, để sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT trong tương lai.