Trước đó, công ty Meta ngày 15/11 đã kháng cáo việc hai dịch vụ của mình, Messenger và Marketplace, bị đưa vào danh sách theo dõi hay "người gác cổng – gatekeeper” ở châu Âu, nhưng không thực hiện kháng cáo tương tự với Facebook, Instagram và WhatsApp.
Tháng Chín vừa qua, EU công bố danh sách 22 dịch vụ “gatekeeper” được vận hành bởi sáu công ty công nghệ lớn là Microsoft, Apple, Google, Amazon, Meta và TikTok.
Trong khi Microsoft, Google và Amazon không kháng cáo quyết định trên của EU, thì Apple chưa có bình luận gì về việc này. Ngày 16/11 là hạn cuối cùng để các công ty tiến hành kháng cáo.
Trong đơn kháng cáo, TikTok tin rằng việc chỉ định dịch vụ này là “gatekeeper” có nguy cơ làm suy yếu chính mục tiêu của DMA, vì việc này đã bảo vệ những dịch vụ mang tính “gatekeeper” thực sự trước những đối thủ cạnh tranh mới hơn như TikTok.
Với hơn 134 triệu người dùng hàng tháng, TikTok tin rằng công ty này không phải là một “gatekeeper”, mà có thể cho rằng nền tảng mới chỉ hoạt động tại châu Âu hơn 5 năm này là một dịch vụ có khả năng thách thức các nền tảng lớn mạnh hơn. TikTok cho biết ứng dụng chia sẻ video này không đáp ứng tiêu chí đặt ra trong DMA là doanh thu tạo ra tại Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) đạt 7,5 tỷ euro (8,13 tỷ USD) mỗi năm.
Theo DMA, các công ty có hơn 45 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và giá trị vốn hóa thị trường 75 tỷ euro được xem là gatekeeper cung cấp một dịch vụ nền tảng cốt lõi.
TikTok cho biết công ty này được xác định là gatekeeper dựa vào công ty mẹ là ByteDance. Tháng trước, ByteDance đã mua lại lượng cổ phiếu từ các nhân viên tại Mỹ trong một thỏa thuận mà công ty này được định giá 223,5 tỷ USD.