Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy giá các mặt hàng nhóm năng lượng và kim loại tuần giao dịch 6-12/11 đồng loạt lao dốc đã kéo lùi chỉ số MXV-Index 2,68%, xuống còn 2.177 điểm. Như vậy, chỉ số này đã có tới 4 phiên giảm điểm liên tiếp và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua.
Lo ngại về thiếu hụt nguồn cung giảm bớt, trong khi nhu cầu có chiều hướng đi xuống đã tạo ra áp lực cho giá dầu. Giá dầu WTI đánh mất 4,15% giá trị xuống còn 77,17 USD/thùng, thiết lập chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp. Dầu Brent rơi xuống dưới mốc 82 USD/thùng, giảm 4,08% so với tuần trước. Hiện tại, giá dầu đã về mức thấp nhất trong hơn 3 tháng qua.
Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 11 của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã điều chỉnh dự báo cung cầu dầu thô quý IV năm nay, từ thâm hụt sang thặng dư 200.000 thùng/ngày. Trong đó, nguồn cung quý IV được điều chỉnh tăng mạnh 0,5% so với báo cáo trước, chủ yếu do mức tăng sản lượng từ các quốc gia ngoài Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nhu cầu chỉ được điều chỉnh tăng thêm 0,2%.
EIA dự báo giá dầu Brent giao ngay đạt trung bình 83,99 USD/thùng vào năm 2023, giảm nhẹ so với ước tính tháng 10 là 84,09 USD/thùng. Dự báo giá dầu Brent giao ngay trong năm 2024 cũng được điều chỉnh giảm xuống 93,24 USD/thùng, từ mức 94,91 USD/thùng.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng phục hồi chậm hơn kỳ vọng, làm gia tăng sức ép bán trên thị trường dầu trong tuần qua. Cục Thống kê Trung Quốc cho biết tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước này trong tháng 10 giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn mức giảm 3,3% theo dự báo của thị trường.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, giá khí tự nhiên lao dốc 13,7% xuống 3,03 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. LSEG cho biết sản lượng khí đốt trung bình 48 bang của Mỹ tăng lên mức 103,6 tỷ feet khối/ngày trong tháng 10, từ 102,6 tỷ feet khối/ngày trong tháng 9 và mức cao kỷ lục 103,1 tỷ feet khối/ngày hồi tháng 7.
LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ sẽ giảm 0,7 tỷ feet khối/ngày trong tuần này bởi thời tiết ôn hoà hơn. Sản lượng gia tăng và nhu cầu suy giảm đã thúc đẩy lực bán khí tự nhiên trong tuần qua.
Quặng sắt - điểm sáng hiếm hoi trên bảng giá kim loạiCùng chung xu hướng với giá năng lượng, hầu hết các mặt hàng kim loại đều ghi nhận đà giảm giá trong tuần qua. Trong đó, giá bạch kim giảm mạnh nhất nhóm khi để mất 10,45%, đóng cửa tuần tại mức 845,6 USD/ounce, chấm dứt chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp. Đây cũng là tuần đánh dấu mức giảm mạnh nhất của giá bạch kim kể từ tháng 3/2020. Giá bạc cũng quay đầu suy yếu 4,31% về 22,28 USD/ounce.
Dòng tiền liên tục rời khỏi thị trường kim loại quý do áp lực lãi suất gia tăng.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt nối dài đà tăng sang tuần thứ ba liên tiếp, chốt tuần tại mức 126,81 USD/tấn nhờ tăng 3,15%, trở thành điểm sáng đáng chú ý trong nhóm kim loại. Giá quặng sắt được hưởng lợi nhờ những tín hiệu Chính phủ Trung Quốc tiếp tục kích thích kinh tế.
Trong tuần này, thị trường sẽ hướng sự chú ý vào các dữ liệu thể hiện “sức khoẻ” của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư công,… trong tháng 10 vừa qua.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ tiếp tục đánh giá tình hình lạm phát thông qua chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10 của Mỹ, nhằm nhận định về chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Dự kiến, đồng USD biến động cũng sẽ ảnh hưởng tới giá các mặt hàng này, đặc biệt là kim loại quý.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/noi-lo-tham-hut-khong-con-nhieu-gia-dau-lao-doc-a36281.html