Nhiều sinh viên đại học năm thứ 2, 3 ngành IT đi làm lương nghìn đô mỗi tháng

Nhiều sinh viên năm 2, 3 kiến thức tốt về ngành IT, đi làm ở công ty có mức lương nghìn USD/tháng, nhưng chuyên gia khuyên các em cần cân đối việc làm và việc học.

Theo đúng tiến trình học tập, Bùi Mạnh Trường (SN 2000, quê Ninh Bình) sẽ tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách Khoa Hà Nội vào tháng 10/2022. Tuy nhiên, do vừa học, vừa tranh thủ đi làm, xây dựng dự án khởi nghiệp nên đến tháng 10 vừa qua nam sinh mới ra trường.

Lương nghìn USD khi còn là sinh viên

Từ giữa năm 2 đại học, Trường đã tham gia thực tập tại phòng nghiên cứu về khoa học dữ liệu thuộc Công ty FPT Software. Nhờ nỗ lực, cậu được công ty giữ lại cho làm kỹ sư phần mềm thử việc.

Tại FPT Software, Trường tham gia vào nhiều dự án như Chuyển đổi số cho hệ thống thông tin tại các phòng khám bệnh, bệnh viện ở Singapore, tham gia nghiên cứu...

Thời gian đầu, dù bản thân có kiến thức tốt nhưng cậu vẫn chấp nhận đi làm không lương 9 tháng để học hỏi về quy trình và công nghệ của doanh nghiệp.

Sau 6 tháng tại đây, cậu xây dựng được dự án khởi nghiệp của riêng mình về AI. Dự án này cũng được giám đốc phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo FPT tài trợ toàn bộ chi phí nghiên cứu và mời cậu về làm việc.

Nhiều sinh viên đại học năm thứ 2, 3 ngành IT đi làm lương nghìn đô mỗi tháng - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên IT sẵn sàng đi làm không lương để học hỏi kinh nghiệm.

Sau quá trình gần nửa năm khởi nghiệp, Trường thu được kết quả là bài báo khoa học quốc tế và sản phẩm AI làm thơ đầu tiên ở Việt Nam sử dụng ChatGPT.

Đầu năm thứ 4 đại học, song song với việc học, Trường tiếp tục chuyển qua một công ty đầu tư đa quốc gia Worldquant làm việc với vị trí kỹ sư phát triển phần mềm vì đam mê với fintech (công nghệ tài chính).

Sau khi phần mềm đi vào hoạt động, Trường thử sức với chân trời mới tập trung ở lĩnh vực Blockchain (một cơ chế, cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong mạng lưới kinh doanh) cho đến tận bây giờ.

Để có những công việc đáng mơ ước trên, nam sinh gốc Ninh Bình trải qua rất nhiều khó khăn. Với công việc tại công ty FPT Software, cậu chủ động tìm kiếm cơ hội và được nhận sau vài vòng phỏng vấn. Còn với công ty Worldquant, sau 4 vòng phỏng vấn khắt khe, nhờ năng lực bản thân, cậu được nhận việc.

"Ngay từ khi học năm 3, 4 đại học, mức thu nhập hàng tháng của em khoảng 20 - 30 triệu đồng, và tăng dần cho đến khi tốt nghiệp ra trường", nam sinh chia sẻ về thành quả bước đầu của bản thân.

Hiện Trường kết hợp cùng hai người bạn mở doanh nghiệp tư nhân chuyên về phát triển và cố vấn các phần mềm cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực về IT. Doanh nghiệp của Trường hiện có đội ngũ nhân sự gần tới 50 người tập trung vào nhiều lĩnh vực và chuyên môn khác nhau.

"Muốn thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, IT, các bạn nên có thái độ đúng kèm sự chủ động học hỏi. Trong đó cần tập trung nâng cao khả năng tiếng Anh, tích luỹ kiến thức nền tảng, chủ động học hỏi và không ngại sai", Bùi Mạnh Trường chia sẻ bí kíp để nhận được mức lương nghìn USD/tháng.

Bảo lưu 2 năm để đi làm

Theo kế hoạch, Nguyễn Bá Đức (SN 1999, quê Thanh Hoá) đã tốt chuyên ngành Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ 2 năm trước, nhưng cậu quyết định bảo lưu 2 năm để tập trung thực tập, học việc tại các công ty về phát triển phầm mềm game.

Ngay từ học kỳ 1 năm năm thứ ba, Đức thực tập tại một studio game lớn tại Hà Nội. Sau đó, cậu chuyển qua làm việc cho dự án khởi nghiệp về game NFT (hệ thống trò chơi được thiết kế và phát triển dựa trên nền tảng Blockchain, trình làng từ 2017).

Tại đây, nhiệm vụ của Đức thực hiện phát triển các tựa game trên nền tảng web tích hợp Blockchain (công nghệ chuỗi khối, nhằm lưu trữ dữ liệu an toàn và bảo mật) và NFT (loại đơn vị dữ liệu trên blockchain) vào việc tạo ra các mã thông báo trong game

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ này, Đức phải sắp xếp thời gian hợp lý giữa học và làm, vừa đáp ứng mục đích học tập và phục vụ mục đích dài hạn tích luỹ kinh nghiệm việc làm.

Nhiều sinh viên đại học năm thứ 2, 3 ngành IT đi làm lương nghìn đô mỗi tháng - Ảnh 2.

Thực tập với mức lương 3 triệu, phấn đấu đạt mức lương gấp 5 lần.

Thời gian đầu mới đi học việc, Đức nhận được mức lương hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Sau khi chuyển qua làm việc tại dự án khởi nghiệp về game, mức lương khởi điểm của cậu tăng lên 15 - 20 triệu đồng/tháng (đã tính cả tiền thưởng hàng tháng, quý).

Nhận được mức lương khá cao, Đức xin bố mẹ cho bảo lưu kết quả học 2 năm để tập trung tích luỹ kinh nghiệm cũng như tìm kiếm thêm cơ hội cho bản thân.

"Ban đầu bố mẹ em phản đối gay gắt, thậm chí còn nghĩ kết quả học tập yếu quá nên mới nghĩ ra chiêu bài bảo lưu. Em phải chứng minh bằng bảng điểm học tập loại giỏi và thư mời làm việc của công ty. Khi ấy bố mẹ mới chấp thuận và yêu cầu cam kết tốt nghiệp trước năm 2023", nam sinh nhớ lại.

Đức hiểu rằng, ngành Công nghệ thông tin luôn không ngừng phát triển cùng với sự biến đổi của xã hội công nghệ số. Cậu dồn toàn lực 2 năm bảo lưu để đi làm nâng cao năng lực, kinh nghiệm. Đến nay, khi ra trường, tổng thu nhập của cậu tại công ty game khoảng gần 50 triệu đồng, chưa kể các công việc làm thêm ở ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ kiểm soát hệ thống thông tin, web.

" Công việc nào cũng cần có thời gian để đạt đến kết quả nhất định. Các bạn sinh viên hãy cứ cố gắng hết sức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mức lương khủng vài nghìn USD sẽ dễ dàng đạt được trong tầm tay", Đức chia sẻ bài học của bản thân.

Làm thêm nhưng không được ảnh hưởng việc học

Thầy Nguyễn Đức Anh Tuấn, chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thông tin, Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội chia sẻ, hiện có rất nhiều sinh viên giỏi, chủ động xin nhà trường giới thiệu đi làm, hoặc thậm chí tự mình ứng tuyển tại các công ty về IT. Việc này tạo thêm thu nhập cho sinh viên đồng thời cũng trang bị thêm kinh nghiệm, kiến thức phục vụ cho công việc sau ra trường.

"Nhiều sinh viên giỏi, có kỹ năng, kiến thức tốt được doanh nghiệp trả mức lương không hề tệ, thậm chí lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, sinh viên cũng nên cân nhắc và sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng tới học tập cũng như việc làm", thầy Tuấn nói.

Ngành IT hiện nay rất phát triển, nhiều công ty, các đơn vị tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao cho những người có năng lực, thậm chí những sinh viên còn học năm 2,3 mà chưa có bằng cấp. Lương cao là vậy nhưng công việc cũng không hề đơn giản, sinh viên phải giỏi, đáp ứng được với công việc mà họ đề ra mới có mức lương như vậy.

Thầy Đỗ Đức Long, giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, việc đi làm thêm từ sớm là tốt điều này có thể đáp ứng các nhu cầu như nhu cầu về kinh tế, lựa chọn được công việc phù hợp, tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng.

Tuy nhiên, việc sinh viên quá mải mê vào việc làm thêm, sẵn sàng bảo lưu việc học là không nên. Kiến thức tại các cơ sở đào tạo luôn hỗ trợ sinh viên rất nhiều trong quá trình làm việc sau này, nếu quá mải mê vào việc làm thêm hay bảo lưu học tập sẽ khiến sinh viên thiếu hụt kiến thức, đến khi quay chở lại học sẽ khó bắt kịp và bị tụt lại phía sau.

Thầy Long khuyên sinh viên cần quản lý tốt thời gian và đảm bảo cân nhắc kỹ lưỡng giữa công việc làm thêm và học tập. Nếu quyết định làm thêm, sinh viên nên chọn công việc phù hợp, không được quên mục tiêu chính của bản thân, luôn đảm bảo được sức khỏe tốt nhất, tuân thủ quy tắc của trường học.


Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/nhieu-sinh-vien-dai-hoc-nam-thu-2-3-nganh-it-di-lam-luong-nghin-do-moi-thang-a36743.html