Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TP HCM nêu lý do không "chạy theo dự án lớn"

(NLĐO) - Khu Công nghệ cao TP HCM thực hiện cơ bản thành công mục tiêu phát triển, góp phần quan trọng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của TP theo hướng sản xuất công nghệ cao.

Trao đổi với phóng viên bên lề buổi làm việc của Đoàn cán bộ khảo sát thực tế nhóm 2 – ban chỉ đạo tổng kết trung ương về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Khu Công nghệ cao TP HCM (khu CNC), ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý khu CNC, cho biết đến tháng 11-2023, khu CNC có 160 dự án còn hiệu lực.

Trong đó, có 70 dự án sản xuất CNC - gồm 29 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), 41 dự án trong nước; 18 dự án dịch vụ CNC; 21 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 10 dự án phát triển hạ tầng.

Tổng vốn đầu tư FDI của dự án sản xuất CNC là 9,31 tỉ USD/29 dự án (bình quân vốn đầu tư 321 triệu USD/1 dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước là 630,8 triệu USD/41 dự án (bình quân vốn đầu tư 15,4 triệu USD/1 dự án).

Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TP HCM nêu lý do không chạy theo dự án lớn - Ảnh 1.

ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, báo cáo với đoàn làm việc chiều ngày 6-11

Trải qua 21 năm hình thành, xây dựng và phát triển, khu CNC thực hiện cơ bản thành công mục tiêu phát triển, góp phần quan trọng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của thành phố theo hướng sản xuất công nghệ cao.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP HCM phát triển TP thủ Đức (TP phía Đông) thành khu đô thị khoa học – công đổi mới sáng tạo. Khu CNC xác định là 1 tiểu khu đô thị trong thành phố phía Đông, mục tiêu trở thành 1 công viên khoa học chuẩn mực quốc tế.

TP HCM: Trao sổ hồng nhiều trường hợp đặc thù trong dự án Khu công nghệ cao

Trong giai đoạn mới, yêu cầu đặt ra đối với khu CNC là góp phần nâng cao năng lực về công nghệ của Việt Nam thông qua nghiên cứu, đào tạo, thương mại hóa các dự án chứ không phải là tập trung thu hút các dự án sản xuất để đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu, tạo ra việc làm… như các khu chế xuất – khu công nghiệp.

"Khu CNC không chạy theo vấn đề thu hút các dự án đầu tư lớn mà quan trọng là tập trung vào kiến tạo hệ sinh thái để tạo nền tảng hình thành các doanh nghiệp mới trong các ngành mình xác định là ưu tiên" – ông Thi nhấn mạnh.

Cụ thể, đối với ngành bán dẫn, trong năm qua, ban quản lý khu CNC tác động đồng thời vào cung lẫn cầu: về phía công, khu CNC tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chủ yếu là đào tạo nâng cấp kỹ năng cho đội ngũ lao động là kỹ sư điện tử, công nghệ thông tin có thể tham gia vào thị trường lao động lĩnh vực này. Về phía cầu, khu CNC thu hút một số dự án mang tính chất thăm dò của các nhà đầu tư nước ngoài về hình thành các nhóm thiết kế vi mạch của Việt Nam để củng cố hệ sinh thái vi mạch trong khu.

"Một khi củng cố hệ sinh thái, có chuỗi cung ứng lẫn nguồn nhân lực trình độ cao sẽ hỗ trợ thu hút các dự án đầu tư không những lớn về quy mô vốn mà có giá trị gia tăng cao" – ông Thi diễn giải.

Theo báo cáo của Ban quản lý khu CNC, chi cho nghiên cứu & phát triển (R&D) tại khu CNC cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ cao.

Chi cho R&D trong khu CNC năm 2021 là 116 triệu USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ 2020, chiếm 31,8% tổng chi đầu tư cho khoa học công nghệ của xã hội ngoài ngân sách của TP HCM, chiếm 7% tổng chi R&D của Việt Nam.

Tổng chi R&D trung bình cho 1 dự án trong nước khá hơn dự án của doanh nghiệp FDI, thể hiện ưu tiên của các doanh nghiệp trong phát triển nội sinh trong thời gian qua.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/truong-bql-khu-cong-nghe-cao-tp-hcm-neu-ly-do-khong-chay-theo-du-an-lon-a36749.html