Thống kê huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) có 168 ha khai thác rươi, tập trung ở các xã: Vĩnh Lập, Thanh Xuân. So với một số địa phương khác, diện tích khai thác rươi của Thanh Hà không lớn, sản lượng không nhiều bằng nhưng chất lượng luôn được đánh giá cao. Bởi vậy, rươi Thanh Hà rất đắt hàng.
Thương lái tranh nhau mua
"Cô ơi, rươi đã bán cho ai chưa, bán cho cháu 30 kg lẻ với giá 300.000 đồng/kg. Nếu cô bán cả ruộng, thì cháu lấy luôn" - chị Hoàng Thị Ánh (Hải Dương, là một tiểu thương chuyên đi thu mua rươi) thuyết phục chủ ruộng rươi tại xã Vĩnh Lập.
Chị Ánh cho hay từ đầu mùa rươi (đầu tháng 9 âm lịch) tới nay đã thu mua được khoảng 7 tấn cho các công ty chuyên bán sang thị trường Trung Quốc. "Nhìn chung năm nay thị trường rất khởi sắc, tôi mua đến đâu bán hết đến đó, không nhanh, không có hàng để mua" - tiểu thương này nói.
Mấy chục năm trước, khi rươi còn chưa lên ngôi đặc sản, người dân chỉ khai thác theo tự nhiên quây bờ rồi vớt lên. Nhưng về sau để tăng năng suất, người dân bắt đầu quây bờ ruộng cẩn thận, làm đất tơi xốp nuôi béo rươi.
Do đặc tính sinh trưởng, mỗi năm rươi cho thu hoạch 3 tháng chính gồm: tháng 9, 10 và 11 âm lịch. Mỗi tháng chỉ kéo dài vài ngày, khi con nước thủy triều vào ruộng, rươi lên và người dân bắt đầu thu hoạch.
Đang bê những thùng xốp rươi lên xe tải để bán buôn cho một công ty về thu mua tận ruộng, ông Lê Hữu Vở (một chủ đầm rươi ở xã Vĩnh Lập) nói gia đình ông bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 9 âm lịch, với giá bán 290.000 - 300.000 đồng/kg. Tính ra, 1 mẫu (10 sào), gia đình ông thu được 300 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí, ông Vở thu về 270 triệu đồng/năm.
Gắn bó nghề nuôi rươi hơn 10 năm nay, ông Lê Văn Quạt, Giám đốc HTX Bảo tồn và Khai thác rươi cáy tự nhiên ở xã Vĩnh Lập, cho biết HTX hiện có khoảng 50 ha ruộng rươi, thị trường đầu ra rất tốt, chưa bao giờ bị rơi vào tình cảnh ế hàng. Năm nay cũng vậy, sản lượng lên đến đâu đều được thương lái thu mua hết tới đó, với giá khoảng 300.000 đồng/kg. Tính ra, 1 ha đạt doanh thu 840 triệu đồng.
Theo ông Quạt, trước kia đây là vùng bãi chiêm trũng, cấy lúa năm nào cũng bị ngập lụt. Tuy nhiên, từ năm 2013, sau khi được lãnh đạo địa phương cho phép đầu tư, kẻ ruộng, hạ đất để phát triển nuôi rươi thì cuộc sống người dân nơi đây đã cải thiện. "Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi rươi. Hết mùa thì đi đánh cáy theo bờ, một tháng cũng kiếm được 20-30 kg, thu nhập 2-3 triệu đồng đủ chi tiêu. Ở xã nhiều nhà nuôi rươi đã có ô tô, xây nhà lầu" - ông Quạt cho biết.
Tất nhiên, để có được thành quả trên, người nông dân phải bảo đảm môi trường sống sạch tuyệt đối cho loài "lộc trời" này. Ông Quạt cho biết năm đầu mới cải tạo ruộng, người dân không biết cho phế thải trấu, cám gà nhưng sau nghiên cứu con rươi thì biết không có bộ phận tiêu hóa, không ăn trực tiếp, chỉ yêu cầu đất phì nhiêu. Vì vậy sau khi cày bừa, nông dân đã chuyển sang vãi ngô, đậu tương xuống đất tạo phì nhiêu, nuôi dưỡng môi trường sống. Đây cũng là yếu tố quyết định được mùa hay mất mùa cho vụ rươi.
Ngô hạt xay sẽ được người dân vãi xuống ruộng rươi để bảo đảm độ phì nhiêu cho đất và nuôi dưỡng môi trường sống
Thoát phụ thuộc vào một thị trường
Không chỉ bán rươi tươi, để gia tăng giá trị, người dân cũng đang đẩy mạnh chế biến sản phẩm như làm mắm rươi. Theo ông Lê Văn Hòa, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Vĩnh Lập, mỗi năm thường làm khoảng 100 lít nước mắm, bán 1 triệu đồng/lít. "Con rươi làm mắm phải thật tươi. Muối hột khi sao không được dùng chảo vẫn rán nấu hằng ngày bởi có hơi mỡ mà phải là nồi gang thật sạch".
Trong khi đó, chỉ ra triền đê, Giám đốc HTX Bảo tồn và Khai thác rươi cáy rự nhiên ở xã Vĩnh Lập phấn khởi nói: "Có hôm khách đến mua rươi tắc cả đường đê. Ngoài khách buôn, có khách lẻ là người dân từ thành phố xuống để mua và trải nghiệm, cứ mỗi ô tô, có khi người ta mua từ 10-20 kg".
Từ đó, ông Giám đốc HTX ấp ủ xây dựng kế hoạch phát triển vùng nuôi rươi gắn với du lịch trải nghiệm "hai bên ruộng thay vì để cỏ dại mọc, tôi sẽ trồng các loại cây gia vị phục vụ cho chế biến rươi như húng, lá lốt, sả, gừng… Khi người đến mua rươi thưởng thức sẽ trực tiếp hái luôn các loại gia vị, bảo đảm sạch 100% về chế biến" - ông Quạt cho hay.
Theo ông Quạt, việc gia tăng trải nghiệm sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về quá trình phát triển con rươi, hiểu rõ được môi trường sống bảo đảm tiêu chuẩn như thế nào, bởi chỉ một tí thuốc bảo vệ thực vật cũng không thể nuôi dưỡng được loại "lộc trời" này.
Bên cạnh đó, HTX mong muốn chính quyền địa phương cho phép mở rộng vùng nuôi thêm vài trăm hecta để phát triển diện tích, tạo sinh kế bền vững cho nhiều người dân địa phương. Đồng thời, đầu tư mở rộng thêm đường sá thuận lợi để thương lái, người dân dễ dàng đến thu mua.
Đặc biệt, ông Lê Văn Quạt cũng bày tỏ mong muốn xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho rươi, gắn tem mác thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, đồng thời phát triển chế biến đặc sản nước mắm rươi.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập, cho biết địa phương có hơn 100 hộ khai thác rươi với khoảng 50 ha. Năm nay, ước tính năng suất 1 tạ/sào.
Theo ông Đại, trước kia khai thác rươi lẻ tẻ nên phụ thuộc khá lớn vào lộc trời ban, nhưng từ khi quy hoạch vùng nuôi, gắn với phát huy và bảo tồn thương hiệu, thu nhập người dân cải thiện. Nghề nuôi rươi đã giúp cuộc sống của người dân địa phương ngày càng khấm khá, nhiều hộ dân thoát nghèo, xây nhà lầu, sắm ô tô.
Sắp tới, địa phương sẽ có chính sách mở rộng quy hoạch, phát triển thêm vùng nuôi rươi, cáy, xây dựng đường giao thông vào bãi rươi thuận tiện. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch gắn với OCOP…
Rươi còn được biết đến với tên gọi là “rồng đất”. Loài sinh vật này thường sinh sống ở các khu vực nước lợ, các vùng tiếp giáp giữa nước lợ và nước ngọt. Rươi sau khi chế biến có hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Hải Dương là tỉnh có nhiều rươi nhất cả nước, tập trung ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, thị xã Kinh Môn...
Rươi được cấp đông, đóng thùng xốp trước khi chuyển đi tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/dac-san-loc-troi-dat-hang-a36950.html