Internet phủ rộng - Động lực thúc đẩy kinh tế số Việt Nam - VTV.VN
Đó là nhận định chung được đưa ra tại Internet Day, sự kiện thường niên về Internet, các công nghệ và ứng dụng mới trên môi trường số vừa diễn ra mới đây.
Với những điều kiện thuận lợi về Internet và hạ tầng số, nhiều sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới liên tục được ra mắt và đó là chìa khoá cho kinh tế số Việt Nam duy trì tăng trưởng ấn tượng và liên tục dẫn đầu Đông Nam Á trong nhiều năm qua. Tại Internet Day, nhiều sản phẩm công nghệ mới đang ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cũng đã được mang tới để trình diễn.
Internet mang đến nhiều ứng dụng mới, giải pháp mới
Theo nhiều chuyên gia, Internet Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi để ứng dụng các mô hình mới như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn.
Ông Vladimir Kingin, Giám đốc điều hành IPTP NETWORKS, cho biết: "Internet ở Việt Nam có mức phí thuộc loại rẻ nhất thế giới và đó là đó lợi thế lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn lực dồi dào, nhân lực trẻ cùng vị thế địa chính trị ổn định. Các bạn còn rất nhiều dư địa để phát triển nền kinh tế số quốc gia và đó là lý do Việt Nam đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế, trong đó có chúng tôi".
Với hạ tầng Internet phủ rộng gần 100% lãnh thổ, trung bình mỗi ngày có khoảng 72 triệu người truy cập mạng đó cũng là tiền đề tốt để Việt Nam liên tục duy trì vị thế đẫn đầu khu vực trong tăng trưởng kinh tế số. Các chuyên gia ước tính đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam thậm chí có thể đạt 45 tỷ USD.
Nói tới kinh tế Internet, nói tới chuyển đổi số, kinh tế số thì gần đây người ta hay đề cập tới khái niệm "đưa doanh nghiệp lên đám mây". Đây đang là một xu hướng giúp các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ. Khi mà nói tới việc chuyển toàn bộ mô hình kinh doanh hay hoạt động của doanh nghiệp lên một môi trường mới, nhiều người lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên, trước khi nói tới chi phí đầu tư, chúng ta có thể hình dùng về việc lên mây như sau: Một doanh nghiệp truyền thống khi làm việc sẽ ghi chép lại hoạt động hàng ngày, thông tin mua bán, giao dịch với khách hàng vào sổ sách. Sau đó một số doanh nghiệp tiến bộ hơn thì sẽ có máy tính, lưu trữ vào phần mềm như Excel. Tuy nhiên, những cách thức này sẽ có thể dẫn đến một số rủi ro. Ví dụ như bị virus tấn công, bị cháy hoặc sự cố nào đó… rất có thể sổ sách, thông tin, máy tính không còn lưu lại các tài liệu quan trọng. Như một nhà xe mới đây đã bị mất toàn bộ dữ liệu khách hàng. Và kết quả là họ phải đồng ý phục vụ miễn phí cho các khách hàng đã đặt vé trong 2 tuần và trong 2 tuần đó nhiều hành khách không mua vé cũng đã tranh thủ cơ hội, doanh nghiệp rõ ràng là bị thiệt hại.
Vì vậy, giờ đây, khi Internet đủ mạnh và độ phủ rộng thì công nghệ điện toán đám mây lại chính là lời giải. Hầu hết doanh nghiệp chuyển sang lựa chọn thuê dịch vụ cloud để đưa toàn bộ hoạt động cũng như lưu trữ toàn bộ dữ liệu của mình trên đó. Chi phí thậm chí rẻ hơn, thời gian triển khai nhanh hơn, không đòi hỏi bổ sung nhân sự, đó chính là lợi thế của công nghệ này.
Đám mây Internet giảm rủi ro, thúc đẩy hoạt động kinh doanh
Hơnmột năm trở lại đây, Hợp tác xã vận tải Quang Trung đã ứng dụng hệ thống nền tảng đặt xe trực tuyến. Việc này đã giúp tiết giảm được một phần nhân sự nhưng vẫn đảm bảo phục vụ hành khách. Khi xe rời bến, tỷ lệ lấp đầy ghế trống cũng cao hơn, khách hàng cũng đến theo lịch hẹn mà không phải chờ đợi.
Ông Trịnh Huy Hiếu, Phó giám đốc Hợp tác xã vận tải Quang Trung, cho biết: "Nhu cầu người ta muốn là khi đặt vé phải chắc chắn, vì thế là phải chuyển khoản và đặt vé qua app. Khi đã chuyển khoản rồi, doanh nghiệp cũng không lo là đi hay không đi, huỷ hay không huỷ. Doanh nghiệp và khách hàng đều đảm bảo lịch trình không thay đổi và từ đó sắp xếp phù hợp nhất".
Các chuyên gia đánh giá, việc đưa hệ thống đặt vé, dữ liệu, thông tin lên Internet, lưu trữ và vận hành trực tuyến không chỉ giúp vận hành tốt hơn mà còn cho phép mở rộng kinh doanh từ xa, giảm đáng kể áp lực lên phòng vé và bộ phận đối soát thông tin.
Ông Phan Bá Mạnh, sáng lập nền tảng vận tải Anvui, nói: "Trước kia chúng ta hoạt động bằng điện thoại, bằng tay thì có thể một ghế đã được bán vé rồi mà phòng vé B lại bán nó tiếp. Đấy là câu chuyện dẫn đến là tất cả các phòng vé phải cùng truy cập được vào hệ thống trên Internet, đám mây, khi đó hành khách có thể mua vé, nhà xe, phòng vé có thể bán ở bất cứ đâu. Vai trò của Internet đã giúp liên thông dữ liệu nhanh hơn và tăng hiệu quả làm việc cho nhà xe".
Ông Li Chufei, Giảm đốc mảng Điện toán đám mây, Huawei Đông Nam Á, nhận định: "Nhìn chung, với mô hình này, khách hàng chỉ phải chi trả theo nhu cầu, mở rộng theo nhu cầu mức tiền tương ứng với các tài nguyên mà họ sử dụng, làm giảm đáng kể chi phí đầu tư của doanh nghiệp và cải thiện hiệu năng của hạ tầng công nghệ. Công nghệ điện toán đám mây nãy cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các nền tảng dịch vụ, giải pháp bảo mật mới nhất, hiện đại nhất tương tự như các công ty lớn trên thế giới ngay từ khi bắt đầu thành lập, giúp giảm đáng kể rào cản và chi phí đổi mới kinh doanh".
Nhu cầu đổi mới mô hình kinh doanh thông qua internet đã giúp quy mô thị trường điện toán đám mây Việt Nam đạt 400 triệu USD và dự kiến vượt mốc 1 tỷ USD trong 2 năm tới.
Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP Việt Nam hiện nay vào khoảng 15%. Với các điều kiện tăng trưởng như hiện nay thì hầu hết các chuyên gia đánh giá mục tiêu đóng góp vào GDP 20% năm 2025 và 30% năm 2030 là hoàn toàn khả thi.