Tại Đại hội Sales & Marketing toàn quốc (VSMCamp) 2023 mới đây, ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT đề cập tới khái niệm “Useless Class” (tầng lớp vô dụng). Cụm từ này được Yuval Noah Harari – tác giả cuốn sách nổi tiếng “Lược sử loài người” nhắc đến lần đầu hồi năm 2017.
“Yuval Harari dùng từ “Useless Class” - những kẻ vô dụng thay vì “Unemployee” - những người thất nghiệp. Đến hôm nay, chúng ta hiểu được rằng đó là những người không biết làm gì, bị loại khỏi lực lượng lao động. Vào năm 2030, theo dự đoán của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 800 triệu người lao động sẽ bị robot và AI thay thế.
Tuy nhiên, chỉ một năm gần đây, chúng ta phát hiện ra rằng “Useless Class” không chỉ gồm các công việc chân tay. Trong vòng 5 năm tới, không phải những công nhân Việt Nam trong các nhà máy may, da giày, lắp ráp điện tử bị mất việc nhanh chóng vì robot và AI, mà cả triệu người – những người tự tin rằng mình có học, làm những việc 'AI không thể thay thế được' chính ra sẽ bị thay thế nhanh nhất”, ông Tiến phát biểu.
Ví dụ được ông nêu ra là gần đây, các nghệ sĩ, biên kịch, người làm đồ họa… tại Hollywood đã biểu tình bởi AI đang thay thế công việc của họ, thậm chí làm tốt hơn. Chỉ những người đặc biệt mới có thể tiếp tục tồn tại trong ngành.
“Đối với nghề thiết kế trang sức, xưa nay chúng ta nghĩ họ là những nghệ nhân. Tôi rất xin lỗi, nhưng AI bây giờ có thể thay thế phần lớn họ. Chắc chỉ khoảng 10 người tài năng nhất, sáng tạo nhất được giữ lại trong công ty”, ông Tiến đưa ra một ví dụ khác.
Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT một lần nữa nhấn mạnh rằng các nghiên cứu đang cho thấy “những người tự cho mình là người có học, nhiều kinh nghiệm, đã có vị trí ở rất nhiều doanh nghiệp sẽ trở thành người vô dụng vì siêu trí tuệ nhân tạo”.
Vậy vấn đề được đặt ra là những công việc nào sẽ không bị AI thay thế?
Theo ông Tiến, đó là những công việc đòi hỏi kỹ năng cao như bác sĩ phẫu thuật; công việc liên quan đến tâm lý, hỗ trợ tinh thần bệnh nhân; công việc liên quan đến sáng tạo; hoặc các công việc mới được ưa chuộng trong tương lai…
Bên cạnh đó, ông chỉ ra một yếu tố rất quan trọng mà AI không thể thay thế được là “human touch” – những điểm chạm mang tính con người, truyền đạt được cảm xúc từ trái tim đến trái tim. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần cá thể hóa trải nghiệm đối với từng khách hàng.
Trong “thời đại AI”, để có thể tồn tại, phát triển và tỏa sáng, ông Tiến cho rằng thứ không thể thiếu là phải học tập suốt đời để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Thay vì bài trừ, quan điểm của ông là cần “sống chung với AI”, biến nó thành công cụ để phát triển.
“Khác với ngày xưa, khi nhắc đến tự học chúng ta hay nói tới học sinh, sinh viên. Còn ngày hôm nay, tất cả các vị đáng kính, các giáo sư, giảng viên, giáo viên, chuyên gia phải là những người học đầu tiên. Đừng nghĩ rằng AI và robot sẽ thay thế lao động chân tay. Điều ngày càng được chứng minh là các thế hệ AI phát triển ngày hôm nay sẽ thay thế những chuyên gia nửa vời”, ông tuyên bố.