Việt Nam sở hữu 'siêu trái cây' khiến người Trung Quốc phát cuồng: xuất khẩu số 1 thế giới, làm nguyên liệu tạo hot trend gây bão mạng gần đây

Loại quả này của Việt Nam có chất lượng vượt trội và giá cả hợp lý, được nhiều thị trường ưa chuộng.

Việt Nam xuất khẩu hơn 500 triệu USD thanh long

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu quả thanh long của Việt Nam trong tháng 10/2023 đạt gần 44,7 USD, tăng nhẹ 0,9% so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu chuối đạt 523,5 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 14,6% tỷ trọng.

Thanh long được trồng tập trung chủ yếu tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang và đến nay đã phát triển, lan rộng 57 tỉnh thành trong cả nước, tổng diện tích trồng thanh long cả nước đạt 55 ngàn ha, sản lượng 487.968,2 tấn, năng suất bình quân 22,02 tấn/ha.

Việt Nam sở hữu siêu trái cây khiến người Trung Quốc phát cuồng: xuất khẩu số 1 thế giới, làm nguyên liệu tạo hot trend gây bão mạng gần đây - Ảnh 1.

Thanh long Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, thanh long Việt cũng xâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn, New Zealand, Australia. Thanh long của Việt Nam từng giữ thế độc tôn trên thị trường quốc tế khi chiếm 80-90% lượng giao dịch.

Năm 2017, thanh long lần đầu tiên lên "ngôi vương" trong nhóm trái cây xuất khẩu khi đạt 1,157 tỉ USD và liên tục duy trì vị thế "trái cây tỉ đô" đến năm 2021. Sau đó, xuất khẩu thanh long bắt đầu lao dốc, sụt giảm từ 1,042 tỉ USD (năm 2021) đã giảm xuống 642 triệu USD (năm 2022). Lý giải sản lượng xuất khẩu giảm mạnh, đại diện các doanh nghiệp cho rằng hiện có nhiều nước tham gia sản xuất thanh long khiến thị trường ngày càng cạnh tranh.

Thanh long Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng

Có giá bán rất rẻ tại Việt Nam nhưng loại quả này được mệnh danh là "siêu trái cây" bởi những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe con người, như giúp chống lại các bệnh lý mãn tính, chiến đấu với các tế bào ung thư, cải thiện hệ tiêu hóa, kiểm soát bệnh tiểu đường...

Loại trái cây này đặc biệt được yêu thích tại thị trường tỷ dân Trung Quốc. Nước này là thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 80% sản lượng hàng năm. Sản phẩm của Trung Quốc bán giá rất cao, không ngọt và mát bằng thanh long Việt Nam do thanh long của nước ta được trồng vùng nhiệt đới, nắng nhiều, thổ nhưỡng thích hợp.

Ngay cả khi thanh long Việt Nam tăng giá 3 lần, vẫn thấp hơn giá thanh long nội địa Trung Quốc. Vì vậy, thanh long Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, nhất là thanh long ruột đỏ vì người dân nước này thích màu đỏ.

Theo dữ liệu của Guangxi TWT - công ty nhập khẩu hoa quả lớn có trụ sở tại thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) và chuyên nhập thanh long của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thanh long năm 2021 của Việt Nam vào khoảng 1,04 tỷ USD thanh long, thì có đến 925,5 triệu USD là sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, tại Australia, thị trường mới nổi của thanh long Việt Nam, loại quả này đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn. Thậm chí, mặt hàng thanh long còn được bán quanh năm tại xứ sở chuột túi với mức giá quy ra tiền Việt là khoảng 80.000 đồng/quả.

Trên các trang web của người tiêu dùng Mỹ, thanh long đỏ của Việt Nam nhìn chung to hơn các loại thanh long khác, có hình thức đẹp và ấn tượng, dù không giòn và ngọt như thanh long vàng. Tuy nhiên, thanh long đỏ của Việt Nam vẫn luôn được đánh giá hương vị vượt trội so với các loại thanh long đỏ ở thị trường khác.

Việt Nam sở hữu siêu trái cây khiến người Trung Quốc phát cuồng: xuất khẩu số 1 thế giới, làm nguyên liệu tạo hot trend gây bão mạng gần đây - Ảnh 2.

Chính vì sức hấp dẫn của thanh long mà nhiều nước đang liên tục đẩy mạnh diện tích trồng, đặc biệt là Trung Quốc. Cuối tháng 2, nước này công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm, cao hơn Việt Nam 200.000 tấn, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng. Năng suất canh tác gần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khoảng 2 triệu tấn một năm của quốc gia này.

Ấn Độ, trước đây thị trường này chiếm 8 - 10% kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam, cũng đang phát triển mạnh diện tích và đã trồng được 50.000 ha. Ngoài ra, Mexico cũng đã canh tác được thanh long khiến thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Canada bị hạn chế. Điều này cho thấy thanh long Việt đang gặp rất nhiều thách thức và cần lấy lại vị thế xuất khẩu.

Đáng chú ý, thanh long đang trở thành chủ đề cực hot trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam những ngày qua. Được biết, nguồn gốc của "cơn sốt" mì tôm thanh long đến từ MV (video ca nhạc) quảng bá sản phẩm mì ăn liền thanh long Caty. Thương hiệu này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Caty Food. Nhà sản xuất kết hợp mì tôm với thanh long vì cho rằng tính mát của trái thanh long giúp hạn chế tính nóng của mì ăn liền, món ăn yêu thích của nhiều người.

Việt Nam sở hữu siêu trái cây khiến người Trung Quốc phát cuồng: xuất khẩu số 1 thế giới, làm nguyên liệu tạo hot trend gây bão mạng gần đây - Ảnh 3.

Trước đó, gian hàng CathyFood (thương hiệu sở hữu mì thanh long) chỉ có doanh thu trên sàn Shopee khiêm tốn 1,38 triệu đồng trong 30 ngày từ 30/10 đến 28/11. Tuy nhiên, số người theo dõi của gian hàng này đã tăng vọt từ 173 lên gần 2.000 chỉ trong 2 ngày và dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/viet-nam-so-huu-sieu-trai-cay-khien-nguoi-trung-quoc-phat-cuong-xuat-khau-so-1-the-gioi-lam-nguyen-lieu-tao-hot-trend-gay-bao-mang-gan-day-a38170.html