"Sự hồn nhiên là tài sản vô hạn của trẻ thơ, nhưng lại là thứ mà những người trưởng thành luôn tìm kiếm". Lời mở đầu của chị Phan Thanh Vân, đại diện truyền thông của Tòhe, mở ra một câu chuyện đầy thú vị về doanh nghiệp xã hội với hành trình nuôi dưỡng và lan tỏa sản phẩm được làm từ chất liệu "100% hồn nhiên".
Chất liệu "100% hồn nhiên" làm nên tính độc bản
Xuất phát từ mong muốn gieo trồng sự hồn nhiên và niềm vui trong trẻo của trẻ thơ mà những người trưởng thành đôi khi vô tình đánh mất giữa cuộc sống thường nhật, châm ngôn "100% hồn nhiên" ra đời và gắn liền với mỗi sản phẩm của Tòhe. Bởi lẽ, nguyên liệu sơ khởi làm nên mỗi sản phẩm của Tòhe chính là các tác phẩm tranh vẽ của những trẻ em thiệt thòi (trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ, trẻ mồ côi và trẻ em sống ở các vùng nông thôn).
Sau khi được chọn lọc, số hóa và in ấn theo quy trình nghiêm ngặt, các sản phẩm đến tay khách hàng với diện mạo chỉn chu, tinh xảo nhưng vẫn giữ được chất "hồn nhiên" trong nét vẽ của những "họa sĩ nhí".
Tòhe gây ấn tượng với người tiêu dùng trực tuyến bởi hàng loạt mặt hàng tiêu dùng từ quần áo, khăn lụa, túi vải... với các gam màu tươi sáng và những họa tiết độc đáo
Thông qua việc tạo ra sân chơi nghệ thuật cho trẻ em, Tòhe xây dựng mô hình kinh doanh với hai mục tiêu song hành rõ rệt là tạo ra lợi nhuận để mở rộng quy mô doanh nghiệp, đồng thời thực hiện sứ mệnh tạo nên những giá trị tích cực cho cộng đồng.
Doanh thu của các sản phẩm từ Tòhe sẽ được sử dụng để duy trì và phát triển hoạt động của tổ chức, song song đó mang lại nguồn thu nhập cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và lan tỏa tình yêu nghệ thuật thông qua những sự kiện triển lãm dành cho cộng đồng.
Mở rộng hành trình gắn kết cộng đồng trên không gian số
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của thương hiệu, đại diện Tòhe nhận định các doanh nghiệp xã hội cần nghiêm túc tìm tòi, thay đổi và thích nghi để kinh doanh bền vững, tạo tiền đề cho những tác động tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là trong dòng chảy chuyển đổi số. Vì thế, sự xuất hiện của Tòhe trên nền tảng Thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee từ năm 2018 được xem là một bước đi cần thiết, tạo "cầu nối" vững chắc giúp quảng bá các sản phẩm và dự án cộng đồng của doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến.
Sau 4 năm hoạt động trên Shopee, Tòhe ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, mang sản phẩm đến tay người dùng tại hơn 44 tỉnh thành trên toàn quốc, góp phần nhân rộng những giá trị tích cực mà thương hiệu đã và đang xây dựng trong cộng đồng
Thời gian đầu khi mở rộng kênh phân phối, đội ngũ Tòhe gặp không ít trở ngại vì chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành gian hàng online. Tuy nhiên, đại diện thương hiệu cũng thừa nhận những hỗ trợ tích cực từ nền tảng cùng sự thích ứng nhanh chóng của doanh nghiệp trong việc áp dụng giải pháp marketing và tham gia chương trình khuyến mãi là tiền đề cho hành trình "số hóa" của thương hiệu Tòhe.
Chị Mai Duyên (ngụ tỉnh Tây Ninh), một người dùng Shopee, bày tỏ: "Từ sự thích thú với các sản phẩm mang thiết kế độc đáo khi vô tình nhìn thấy trên Shopee, mình bắt đầu tìm hiểu về Tòhe và bị thu hút bởi những giá trị nhân văn mà thương hiệu này mang lại." Cô nàng cũng đề cao nỗ lực quảng bá hình ảnh của thương hiệu Tòhe trên sàn TMĐT để người dùng từ mọi vùng miền đất nước dễ dàng biết đến sản phẩm, dự án của Tòhe cũng như ủng hộ và góp phần lan tỏa những giá trị mà doanh nghiệp này đang theo đuổi.
Song song với việc duy trì và phát triển doanh nghiệp, Tòhe còn hướng đến mục tiêu tìm kiếm người đồng hành trong việc lan tỏa những tác phẩm nghệ thuật đầy tính nhân văn.
"Với việc tham gia dự án "Cùng Shopee tôn vinh sản phẩm Việt" và đẩy mạnh quảng bá các bộ sưu tập sản phẩm Tết cổ truyền, tôi tin rằng những giá trị tích cực mà doanh nghiệp theo đuổi sẽ được lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng" - đại diện Tòhe kết luận.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/doanh-nghiep-viet-tao-dau-an-cong-dong-a383.html