Theo thông tin từ Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong tháng 10, doanh nghiệp (DN) này đã xuất bán 39.100 tấn chuối và 442 tấn sầu riêng… chủ yếu qua Trung Quốc, mang về doanh thu 410 tỷ đồng. Dự báo đến hết cuối năm xuất khẩu (XK) sầu riêng sang Trung Quốc vẫn tiếp tục neo cao, tổng kim ngạch XK năm của mặt hàng này cả nước có thể lên 2,4-2,5 tỷ USD.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Tổng Giám đốc Cty Banana Brothers Farm (BBF), trụ sở ở huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk - cho biết, DN bắt đầu trồng gần 150 ha giống chuối già Nam Mỹ vào năm 2020 bằng phương pháp cấy mô công nghệ cao, vườn trồng được thiết kế theo ô bàn cờ nhằm thuận tiện cho việc canh tác và thu hoạch.
Trong năm 2022, DN đã xuất khẩu chính ngạch sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản với sản lượng trên 6.500 tấn. Năm nay, tính đến thời điểm này, BBF đã XK gần 400 container chuối (mỗi container 21 tấn chuối) sang thị trường Trung Quốc.
Công nhân Công ty Banana Brothers Farm sơ chế chuối để xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Bà Hạnh mong muốn trên góc độ kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc, hoạt động thông quan hàng hoá được tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng hơn. Doanh nghiệp hai bên có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác thường xuyên hơn, tránh chuyện bị thất thoát qua trung gian.
“Lâu nay, các DN nông nghiệp trong nước muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc thường phải thông qua trung gian, môi giới, rất thiệt thòi. Làm nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng... Các trung gian thường lợi dụng thông tin giữa 2 bên không tới được với nhau để bớt xén, trừ đầu trừ đuôi khiến nhà đầu tư - nhà sản xuất không còn lãi được bao nhiêu”, bà Hạnh chia sẻ.
Theo Giám đốc BBF, năm nay giá cả thị trường nhiều bất ổn, song cũng may cước logistics bình ổn hơn. Chưa kể, mỗi năm lại có thêm dịch bệnh, sâu rệp bùng phát ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng nông sản. DN như BBF luôn phải chủ động bám sát dự báo thời tiết, học hỏi, quan sát, làm tốt mọi khâu từ chọn giống tới trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản…
Ông Vũ Ngọc Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn Công ty CP TM XNK Dũng Thái Sơn, một trong những DN XK sầu riêng đứng đầu Đắk Lắk - cho rằng muốn giữ được ngành hàng sầu riêng tốt, lâu bền phải kiểm soát tốt mã số vùng trồng, quy hoạch chặt chẽ vùng trồng.
“Chẳng hạn, ở Đắk Lắk vùng trồng sầu riêng chính như huyện Krông Pắc, Cư M’gar cần tập trung nâng cao chất lượng, còn những vùng thổ nhưỡng và thời tiết không thuận lợi không nên mở rộng. Bởi lẽ, khi không kiểm soát được quy hoạch, cấp mã số vùng trồng sẽ không kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Không lấy sản lượng mà lấy chất lượng, thương hiệu làm đầu thì mới bền vững”, ông Huy chia sẻ và cho biết năm 2022 doanh nghiệp này XK khoảng 400 container sầu riêng sang Trung Quốc.
10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD. Đáng chú ý, hoạt động XK của nước ta vẫn duy trì được tăng trưởng dương trong khi kim ngạch NK sụt giảm.
Cụ thể, hết tháng 10, XK của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng XK có tăng trưởng ấn tượng nhất là rau quả, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Chiều ngược lại, NK từ Trung Quốc vào Việt Nam hết tháng 10 đạt 89 tỷ USD, giảm hơn 11 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 10 tháng qua nước ta vẫn chịu thâm hụt lớn từ thị trường Trung Quốc với con số nhập siêu gần 40 tỷ USD.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/nong-san-ty-usd-viet-nam-dang-xuat-khau-trung-quoc-a39093.html