Trí tuệ nhân tạo: Trách nhiệm và pháp lý

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cần đi đôi với việc xây dựng một hệ thống pháp lý vững chắc và linh hoạt để đảm bảo sự an toàn, minh bạch và phát triển bền vững.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhanh chóng trở thành một thành tố quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí trong một số lĩnh vực, nó còn mang tính quyết định tạo nên sự đột phá cho tổ chức. Ngày nay, không khó để một người dân bình thường có thể bắt gặp AI được ứng dụng tại cơ sở y tế, tổ chức tài chính… hay bất cứ một đơn vị cung cấp dịch vụ nào đó.

Trí tuệ nhân tạo: Trách nhiệm và pháp lý - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh và y tế đến giáo dục và công nghiệp. Trong y tế, AI giúp chẩn đoán bệnh bằng phân tích hình ảnh X-quang; quản lý dữ liệu y tế lớn, phân tích xu hướng để dự báo và ứng phó với đợt dịch bệnh.

Trong kinh doanh, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã tích hợp chatbot dựa trên AI để cải thiện dịch vụ khách hàng và giải quyết câu hỏi tự động; Dự đoán thị trường và xu hướng…

Trong giáo dục, các nền tảng học trực tuyến đã sử dụng AI để tùy chỉnh nội dung giảng dạy dựa trên năng lực và sở thích của học viên; Các chatbot giáo dục được sử dụng để hỗ trợ sinh viên trong việc học tập và giải đáp thắc mắc.

Trong công nghiệp và sản xuất, Hệ thống AI được tích hợp để tối ưu hóa quá trình quản lý chuỗi cung ứng, dự đoán bảo trì thiết bị để giảm thiểu thời gian chết máy.

Trong Giao thông và Logisitcs, Công nghệ AI được tích hợp vào hệ thống quản lý giao thông để giảm ùn tắc và cải thiện an toàn giao thông, tối ưu hóa tuyến đường và quản lý hệ thống vận chuyển để giảm thiểu chi phí và thời gian.

Trong nông nghiệp, AI giúp nông dân quản lý năng suất, dự báo thu hoạch và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực. Các hệ thống AI giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh dịch và quản lý cây trồng hiệu quả.

Trí tuệ nhân tạo: Trách nhiệm và pháp lý - Ảnh 2.

Với sức mạnh và tiềm năng lợi ích rất lớn, AI cũng mang theo nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm và pháp lý.

Một trong những vấn đề nổi bật là trách nhiệm trong quyết định của AI. Khi hệ thống AI thực hiện các quyết định có ảnh hưởng lớn đến con người, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và tư pháp thì câu hỏi quan trọng là ai sẽ chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Một yếu tố quan trọng khác là độ tin cậy của hệ thống AI và khả năng giải thích quyết định của nó. Cần có các tiêu chuẩn và quy định để đảm bảo sự minh bạch và tin cậy trong quá trình sử dụng AI.

Vấn đề quản lý dữ liệu và quyền riêng tư cũng là một phần quan trọng trong việc đánh giá trách nhiệm và pháp lý của AI. Cần có các quy định rõ ràng để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự thống nhất về tiêu chuẩn và luật pháp trong trí tuệ nhân tạo giữa các tổ chức quốc tế và quốc gia.

Một ví dụ về vấn đề trách nhiệm pháp lý khi để AI đưa ra quyết định là trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong việc chẩn đoán bệnh. Một bệnh nhân đến bệnh viện và được chụp hình X-quang để xác định có hay không các vết thương hoặc bất kỳ bệnh lý nào trong ngực. Hệ thống AI, dựa trên dữ liệu lớn và mô hình học máy, đưa ra kết luận rằng có một khả năng cao bệnh nhân này bị một loại ung thư nhất định.

Liệu có hay không việc bệnh nhân bị ‘mắc kẹt’ trong quá trình điều trị không cần thiết do kết luận dựa trên chẩn đoán từ AI? Và người sử dụng AI (có thể là bác sĩ hoặc bệnh viện) có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hậu quả của quyết định này?

Nếu hệ thống AI sử dụng dữ liệu y tế của bệnh nhân mà không có sự cho phép từ họ, có thể phát sinh vấn đề về quyền riêng tư và có thể vi phạm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Mặc dù có nhiều câu hỏi về trách nhiệm và pháp lý của trí tuệ nhân tạo, nhưng chỉ mới đây, Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU mới đạt được thỏa thuận về quy tắc đối với trí tuệ nhân tạo. Văn bản mang tính bước ngoặt này sẽ là nền tảng để xây dựng Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của châu Âu, khuôn khổ pháp lý đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.

Cũng như đa số các quốc gia trên thế giới, Việt Nam chưa văn bản pháp luật cụ thể nào về AI. Trong chiến lược về AI công bố năm 2021, có đề cập đến khái niệm này cũng như đạo luật về dữ liệu.

Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng Khoa học dữ liệu, Viên nghiên cứu cao cấp về toán đánh giá, AI tạo sinh đang phát triển nhanh, dễ tạo ra những rủi ro như nội dung không chính xác, việc tạo ra và dùng AI rất cần có những đạo luật, quy định cụ thể.

Trí tuệ nhân tạo: Trách nhiệm và pháp lý - Ảnh 3.

Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng Khoa học dữ liệu, Viên nghiên cứu cao cấp về toán.

“ AI tạo sinh bắt đầu phát triển từ 2015, 2016 và nổi tiếng nhất tại thời điểm từ cuối năm 2021 là chatGPT và 1 số sản phẩm của mô hình ngôn ngữ lớn. AI tạo sinh tạo ra chấn động khá lớn. Khác với AI chuyên biệt - nhiều người làm nhưng chỉ một số người dùng chuyên biệt, thì AI tạo sinh là công cụ mà ai cũng có thể dùng. Tuy nhiên, do nội dung tạo ra được dựa trên dữ liệu mà AI xác định là xác suất cao nhất, nó không hiểu nội dung này như cách con người đọc và hiểu, nên không đảm bảo độ chính xác ” - Giáo sư Hồ Tú Bảo nói.

Ông Nguyễn Thế Duy, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập CTCP khoa học sáng tạo ADT (ADT Creative) nêu quan điểm: “ Cái gì cũng cần có thời gian, chúng ta cũng nên đón nhận làn sóng mới trong trí tuệ nhân tạo vì đây là cơ hội của Việt Nam. AI giống như một bước đột phá của nhân loại, tất nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề về mặt đạo đức và rất nhiều thứ khác nhưng chúng ta có phương án để quản lý việc đó chứ không nên đứng ngoài làn sóng ”.

Trí tuệ nhân tạo: Trách nhiệm và pháp lý - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thế Duy, Phó Chủ tịch CTCP khoa học sáng tạo ADT (ADT Creative).

ADT là công ty tập trung vào những công nghệ đổi mới sáng tạo đột phá như thực tế ảo (VR, AR), và những năm gần đây là vũ trụ ảo (Metaverse), trí tuệ nhân tạo (AI). ADT được biết đến hiện nay là doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển người ảo đạt tới cấp độ "siêu thực", đạt mức độ tương tự người thật như Chang Mi, idol ảo Jeong Sae Jin, Đại sứ ảo PhinDeli Mr.Phin…

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cần phải đi đôi với việc xây dựng một hệ thống pháp lý vững chắc và linh hoạt để đảm bảo sự an toàn, minh bạch và phát triển bền vững.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/tri-tue-nhan-tao-trach-nhiem-va-phap-ly-a39194.html