Làm sao để 'săn sale' trực tuyến an toàn dịp cuối năm?

Các đợt ưu đãi cuối năm cũng thường là dịp bùng nổ của những mánh khóe lừa đảo, nhắm vào tâm lý ham rẻ, lơ là cảnh giác của người tiêu dùng.

Nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm

Hàng loạt chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm luôn thu hút hàng triệu khách hàng. Ví dụ các chương trình Cyber Monday, Black Friday và Ngày đôi (Double Day) trên sàn thương mại điện tử diễn ra gần như liên tục trong 3 tháng cuối cùng hàng năm. Theo khảo sát gần đây được thực hiện bởi hãng bảo mật Kaspersky về hành vi mua sắm trong những ngày lễ năm 2023, đã có tới 90% số người tham gia khảo sát thừa nhận mua hàng một cách ngẫu hứng trong những ngày siêu khuyến mại.

“Cơn sốt” mua hàng trực tuyến trong dịp lễ, Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán đang trong giai đoạn sôi động tại Việt Nam. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử sẽ là yếu tố đóng góp lớn cho nền kinh tế số của Việt Nam trong năm 2023, chiếm khoảng 16 tỷ USD tổng khối lượng hàng hóa (GMV), tương đương 53% tổng GDP cả nước. Mức tăng trưởng lên tới 11% so với năm trước cho thấy nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giải quyết nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng bằng cách đưa ra ưu đãi hấp dẫn.

Làm sao để 'săn sale' trực tuyến an toàn dịp cuối năm? - Ảnh 1.

Sale cuối năm ẩn chứa nhiều rủi ro lừa đảo, tấn công mạng

Ưu đãi dịp lễ đi kèm nhiều “bẫy” tinh vi từ tội phạm mạng

Sự phổ biến của công cụ trực tuyến và nhu cầu mua sắm từ người tiêu dùng kéo theo số vụ lừa đảo và tấn công mạng cũng tăng theo. Theo Kaspersky, các nền tảng thương mại điện tử là đối tượng của hơn 13,3 triệu cuộc tấn công an ninh mạng trong 10 tháng đầu năm 2023, chiếm 43,5% tổng số cuộc tấn công lừa đảo nhắm vào ngân hàng, hệ thống thanh toán, cửa hàng trực tuyến trên toàn cầu, và được dự đoán sẽ tăng cao trong suốt mùa mua sắm cuối năm.

Ngoài các kỹ thuật tấn công điển hình như lừa người dùng truy cập trang web lừa đảo bằng cách lợi dụng tâm lý mua hàng giá rẻ để nhận thưởng, giả mạo tin nhắn hoặc gọi điện thông báo về việc mất hàng, trao đổi thông tin cá nhân để tìm gói hàng bị thất lạc, một phương thức mới nguy hiểm hơn được các chuyên gia bảo mật cảnh báo là những vụ lừa đảo bằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi.

Bà Võ Dương Tú Diễm, Giám đốc Kaspersky khu vực Việt Nam đánh giá tội phạm mạng có thể dễ dàng chiếm được lòng tin và thu lợi hàng tỷ USD từ người mua hàng bằng cách khai thác AI dưới nhiều hình thức tinh vi. Một số ví dụ có thể kể đến như kẻ tấn công dùng deepfake bằng hình ảnh của người nổi tiếng để tạo buổi phát trực tuyến giả trên mạng xã hội, làm video mạo danh người thân, bạn bè để vay tiền, giả làm cơ quan chức năng để yêu cầu thông tin cá nhân của nạn nhân... " Trước những mối đe doạ nguy hiểm này, mọi người nên không ngừng nâng cao nhận thức về an ninh mạng trong môi trường trực tuyến và chủ động thực hiện các bước để bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân lừa đảo trong quá trình mua hàng ", bà Tú Diễm nhấn mạnh.

Làm sao để "săn sale" an toàn

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn tràn ngập các chương trình khuyến mại cuối năm, người dùng cần đặc biệt lưu ý khi truy cập vào các địa chỉ trực tuyến, cần kiểm tra cẩn thận lỗi chính tả, lỗi thiết kế trang web cũng như đường dẫn (URL) của cửa hàng trước khi điền bất kỳ thông tin nào. Đây là các dấu hiệu có thể nhận biết do website giả mạo thường cố tình tạo thiết kế sai lệch nhỏ so với trang chính thức để tránh quét bản quyền.

Làm sao để 'săn sale' trực tuyến an toàn dịp cuối năm? - Ảnh 2.

Săn sale trong thời đại bùng nổ internet cần nhiều kỹ năng để không trở thành nạn nhân của lừa đảo.

Nếu trang web có các phần đánh giá, nên xem kỹ bởi dù đánh giá có thể được làm giả vẫn có thể cung cấp thông tin nhất định cho người dùng trước khi quyết định mua hàng. Các đánh giá giả mạo thường có nội dung giống hoặc tương tự nhau, khen ngợi hết lời đối với sản phẩm cũng như đơn vị bán, sử dụng lời văn thiếu tự nhiên (do đều sử dụng công cụ soạn thảo tự động), đôi khi ngô nghê. Ngược lại, khi nhìn thấy các đánh giá tiêu cực về vấn đề hàng giả, nhái, sản phẩm kém chất lượng nhưng người bán không tích cực phản hồi hay hỗ trợ, hãy lập tức tránh xa.

Người dùng cũng không nên tin tưởng bất kỳ liên kết hay tập tin đính kèm nào được gửi qua email, đồng thời luôn xác minh thông tin người gửi trước khi mở bất kỳ thứ gì trong thư điện tử hay các nội dung được gửi qua internet. Khi nhìn thấy đường link quảng cáo, thay vì nhấn trực tiếp vào, hãy gõ thủ công địa chỉ đã được xác thực của nhà bán (ví dụ Shopee, Lazada, Amazon, các hệ thống cửa hàng lớn)... và tìm sản phẩm hoặc ưu đãi trong mục Tìm kiếm của website để đảm bảo không bị dẫn dụ sang trang giả mạo.

" Sử dụng thẻ tín dụng có hạn mức thấp hoặc chủ động giảm hạn mức tín dụng dựa trên xu hướng chi tiêu cá nhân không chỉ giúp giảm ảnh hưởng tài chính nếu thẻ của người dùng bị xâm phạm, mà còn hạn chế số tiền mà kẻ lừa đảo có thể chiếm đoạt được" , chuyên gia bảo mật khuyến cáo. Ngoài ra, các loại tài khoản trực tuyến cũng nên được bảo mật đa lớp, sử dụng xác thực bằng mã số dùng một lần (OTP) gửi đến số điện thoại cá nhân hoặc từ các công cụ tạo mã uy tín của Google, Microsoft...

"Giá rẻ" là mấu chốt trong các ưu đãi có lợi cho người dùng nhưng đồng thời được ví như "miếng mồi câu thơm ngon". Do đó, luôn cẩn trọng và cân nhắc khi nhìn thấy sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là đồ công nghệ, thiết bị điện tử được chào bán với mức giá thấp hơn nhiều lần so với giá bán lẻ thường thấy để tránh mất tiền oan vào các món đồ làm giả, nhái.


Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/lam-sao-de-san-sale-truc-tuyen-an-toan-dip-cuoi-nam-a39451.html