Dự kiến đến tháng 9/2024, không còn thuê bao 2G Only trên mạng di động

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dự kiến đến tháng 9/2024, không còn thuê bao 2G Only trên mạng di động.

Hỗ trợ smartphone cho các hộ nghèo, cận nghèo

Thông tin về lộ trình và các phương án hỗ trợ thực hiện tắt sóng 2G, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lộ trình dừng công nghệ 2G đang được các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, triển khai trên cơ sở định hướng về dừng công nghệ cũ tại công văn 4833/BTTTT-CVT ngày 27/9/2022 về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G và Thông báo số 3095/BTTTT-CTS ngày 31/7/2023 thông báo quy hoạch các băng tần 900/1800/2100MHz.

photo-1702870526758

Xu hướng tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới

 Theo đó, dự kiến đến tháng 9/2024, không còn thuê bao 2G Only trên mạng di động; từ 9/2024 đến 9/2026, hệ thống 2G được duy trì cho cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin cho các thuê bao sử dụng máy 3G, 4G Non-VoLTE.

Về các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G, Cục Viễn thông cho hay, triển khai Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 117:2020/BTTTT thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất về máy điện thoại di động 2G, trong đó bao gồm công tác thanh tra, kiểm tra việc mua bán, lưu thông các máy điện thoại di động trên thị trường.

Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng di động thực hiện ngăn chặn các máy điện thoại di động không tuân thủ quy định về chứng nhận hợp quy kết nối vào mạng viễn thông công cộng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp viễn thông triển khai các chương trình hỗ trợ thuê bao chuyển sang sử dụng smartphone, ban hành chính sách cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi.

Mở rộng vùng phủ sóng di động 4G đảm bảo vùng phủ sóng, cung cấp dịch vụ di động liên tục, không gián đoạn cho thuê bao một khi dừng công nghệ 2G (kinh phí triển khai phủ sóng vùng lõm từ doanh nghiệp và hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam).

Triển khai các ứng dụng (Apps) dịch vụ công để thúc đẩy sử dụng smartphone tại địa phương. Huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ chuyển đổi smartphone, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo: thông qua các tổ chức, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội. Hỗ trợ smartphone cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Cơ quan nhà nước thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ tương tắt sóng 2G và phổ cập smartphone, doanh nghiệp viễn thông nhắn tin, gọi điện trực tiếp tới khách hàng, các kênh truyền thông online… để nâng cao nhận thức của người sử dụng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sử dụng điện thoại thông minh, tạo điều kiện doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện dừng công nghệ di động 2G.

Hiện một số nhà mạng lớn đã tiến hành tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu dịch vụ này thấp. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng đã chuẩn bị các dòng điện thoại “cục gạch” 4G giá rẻ chỉ khoảng gần 300.000 đồng chỉ để dùng cho dịch vụ thoại và nhắn tin để phục vụ cho một lớp khách hàng nhỏ có chỉ có nhu cầu này.

Tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom khẳng định, việc tắt sóng 2G với mục đích chuyển đổi các khách hàng dùng 2G lên mạng 4G, sử dụng smartphone.

Đây là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với xu thế cũng như phù hợp với mong muốn của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và phù hợp với nhu cầu của khách hàng, xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Việc tắt các công nghệ cũ, dịch chuyển lên công nghệ mới là việc rất thiết thực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Hiện nay số lượng thuê bao 2G của nhà mạng còn cao. Do đó, nhà mạng xác định mục tiêu đến tháng 9/2024, cần dịch chuyển, đưa số lượng thuê bao 2G trên mạng chỉ còn dưới 5% thì mới có thể tắt sóng.

Ông Nguyễn Phúc Khánh, Phó Ban công nghệ VNPT cho hay, công nghệ 2G đã triển khai hơn 20 năm với 2 dịch vụ truyền thống là Voice và SMS. Sau khi 3G, 4G xuất hiện, 2G gần như đã hoàn thành vai trò của mình.

Từ lúc lưu lượng 2G còn khá cao, VNPT đã xác định chiến lược tắt sóng 2G, đưa vào hoạt động xây dựng kế hoạch, phát triển mạng lưới, ưu tiên chỉ còn triển khai 2G kết hợp 3G và 4G. Phần thiết bị trước đó chỉ có 2G, VNPT đang tiến hành tắt từng trạm riêng lẻ.

Nhà mạng đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực, tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G. Hoạt động kinh doanh kết hợp theo các chương trình đều ưu tiên phát triển thuê bao sử dụng data, 4G.

VNPT cũng thông tin, đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị 2G Only. Các thuê bao này hiện đang chiếm khoảng gần 3 triệu, tương đương 8% tổng số thuê bao VNPT.

Tắt sóng 2G sẽ được hưởng lợi gì?

Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số... một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.

Ông Nguyễn Duy Luân - chuyên gia mạng không dây Huawei nhấn mạnh, xu hướng tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của GSMA, cho đến cuối tháng 6/2023, có 149 nhà mạng đã và đang tắt công nghệ cũ. Đại đa số tắt ở những quốc gia tiên tiến, 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã tắt sóng 2G từ lâu như Mỹ, Singapore năm 2017, Australia năm 2020...

Chia sẻ về lợi ích của việc tắt công nghệ 2G, ông Nguyễn Duy Luân nêu, lợi ích thiết thực nhất của việc tắt công nghệ cũ với nhà mạng là tiết kiệm chi phí vận hành. Thiết bị cũ thường tốn điện, chi phí sửa chữa, vật tư...

Theo thống kê của Huawei, trong số các nhà mạng và quốc gia đã tắt 2G và 3G, khoảng 87% nhà mạng chọn lên 4G, trong đó khoảng 32% lên 4G only, còn lại chuyển đổi băng tần lên 4G, 5G. Một số chọn cả 3G, 4G và 5G.

Khi thực hiện chuyển đổi, nhà mạng cần phải đánh giá tổng thể chuyển đổi sang công nghệ gì, lộ trình thực hiện như thế nào. Khu vực nào chuyển đổi trước và cần những gì để tránh ảnh hưởng chất lượng thuê bao hiện tại...

Ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc True IDC Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi, tắt sóng 2G không phải vấn đề mới. Ở các nước đã thực hiện chuyển đổi từ nhiều năm, ví dụ sớm nhất là Nhật Bản tắt sóng 2G từ những năm 2010.

Với Việt Nam cần tắt càng sớm càng tốt bởi đã hết khấu hao, giữ 2G rất tốn điện. Khi đánh giá doanh nghiệp về quản trị bền vững, việc duy trì 2G tốn điện, nhiều carbon thải ra sẽ là điểm trừ cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần quyết liệt đóng 2G càng sớm càng tốt, dành băng tần cho các công nghệ mới.

Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng thư ký Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam thông tin thêm, việc tắt sóng 3G hướng tới rất nhiều mục tiêu, nhưng tựu chung lại có 3 mục tiêu cơ bản: Xã hội sẽ bỏ không sử dụng dịch vụ chất lượng thấp, tốc độ thấp và tiến đến sử dụng dịch vụ chất lượng cao, tốc độ cao. VoLTE tốt hơn hẳn Voice GSM. Từ đó, giúp sớm đưa cả xã hội lên môi trường số.

Đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện, chi phí cao nhất, cho nên loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh.

Với nhà nước, lợi ích là chúng ta giải phóng băng tần cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới có hiệu quả sử dụng cao hơn. Đó là việc rất quan trọng.

Cũng vì thế, nhiều nước đã có lộ trình tắt sóng 2G. Khảo sát tháng 7/2023, có 11 trên 33 nước được khảo sát cho biết tối thiểu đã có 1 doanh nghiệp tắt sóng. Lộ trình đến năm 2024 sẽ tắt nhiều.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những chính sách tốt để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, tiêu biểu như vấn đề tiêu chuẩn hóa, không cho phép nhập khẩu thiết bị 2G only. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đồng hành rất tốt với nhà nước, đặc biệt là trong việc tuyên truyền, hỗ trợ và khuyến mại trong việc sử dụng 4G.

Điện thoại 2G only là những chiếc điện thoại di động chỉ hỗ trợ tiếp nhận sóng di động công nghệ 2G và chỉ cho phép dùng dịch vụ thoại và tin nhắn SMS công nghệ 2G. Đây là những thiết bị đã quá cũ và sử dụng công nghệ lạc hậu nhưng vẫn còn được người dân ở các vùng sâu vùng xa và cả những người thu nhập thấp sử dụng do giá rẻ, cách sử dụng đơn giản.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/du-kien-den-thang-92024-khong-con-thue-bao-2g-only-tren-mang-di-dong-a39525.html