Người đi chợ ngày càng ủng hộ thanh toán không tiền mặt

Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, người đi chợ hiện đại dần thay thế bằng phương thức thanh toán trực tuyến thông qua các ứng dụng thanh toán ưu việt.

Người đi chợ ngày càng ủng hộ thanh toán không tiền mặt - Ảnh 1.

Công nghệ ngày càng phát triển, mang lại những tiện ích cho con người ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đặc biệt, cùng với sự thúc đẩy của Covid-19, nhiều ứng dụng thanh toán hay hệ sinh thái tài chính số được phát triển với mục đích chung là thúc đẩy sự tiện lợi trong thanh toán mọi chi phí thiết yếu trong cuộc sống. Thanh toán tiền đi chợ là một trong những hoạt động cần thanh toán chi phí thiết yếu đó.

Thay vì dùng tiền mặt như cách truyền thống, người dân chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản trên thiết bị di động là có thể thanh toán tiền chợ một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Theo các chuyên gia, tiền mặt dần được đánh giá là phương thức thanh toán chứa nhiều rủi ro như làm rơi tiền, tiền giả, bị mất cắp hay nhầm mệnh giá tiền khi giao dịch hàng hóa tại chợ. Tiền mặt đôi lúc có thể trở thành trung gian gây lây nhiễm bệnh dịch cộng đồng. Những ứng dụng thanh toán trực tuyến hay hệ sinh thái tài chính số xuất hiện trên thị trường như một giải pháp tối ưu có thể giải quyết các bất cập của tiền mặt.

Với chợ truyền thống thông thường, người đi chợ thường ít bắt gặp những chương trình khuyến mãi hay ưu đãi từ các tiểu thương. Tuy nhiên, với các nền tảng thanh toán trực tuyến, như Viettel Money, những ưu đãi hoàn tiền, tặng tiền được diễn ra thường xuyên, mang đến lợi ích chi tiêu cho cả người mua và người bán. Những người tham gia giao dịch tại chợ vừa có thể mua được các sản phẩm tươi sống, chất lượng vừa có thể tiết kiệm chi tiêu hiệu quả.

Tiêu biểu như ở TP. HCM, thay vì lo giữ ví tiền như trước đây, nhiều người dân ở thành phố chỉ cần mang theo điện thoại có kết nối Internet mỗi khi đi chợ, mỗi quầy hàng vải, hàng đồ khô, quầy thịt, đồ ăn vặt… tại các khu chợ truyền thống hầu hết đã được trang bị mã thanh toán QR, hoặc số tài khoản ngân hàng, ví điện tử… để người dân có thể dễ dàng thanh toán không tiền mặt một cách nhanh chóng, an toàn và bảo mật.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, thành phố có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực thương mại với 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại… Các cơ sở này đều tham gia vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của TP. HCM dẫn đầu cả nước.

Ví dụ như tại Chợ Bến Thành - một điểm du lịch nổi tiếng nằm ngay trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, các hình thức thanh toán hiện đại cũng đã được phổ cập. 

"Các gian hàng trong chợ truyền thống có dán mã thanh toán QR, số tài khoản, ví điện tử… đã giúp vấn đề thanh toán trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Nếu lỡ quên tiền mặt cũng không cần phải ra ATM rút tiền" - anh Duy Thắng, một du khách từ Đà Nẵng cho biết.


Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/nguoi-di-cho-ngay-cang-ung-ho-thanh-toan-khong-tien-mat-a39751.html