Cuối năm là thời điểm diễn ra của hàng loạt các chương trình kích cầu và tuần lễ giảm giá, siêu khuyến mại nhằm đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Do đó, người tiêu dùng thường có tâm lý cởi mở hơn trong chi tiêu, tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo dựng lên những kịch bản như rao bán hàng kém chất lượng với giá rẻ, gửi tặng quà hay tổ chức các chương trình trúng thưởng,... để chiếm đoạt tài sản.
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng, các đối tượng lừa đảo thường giới thiệu việc nhẹ lương cao lừa đảo mua bán người; Thanh toán đơn hàng ảo hưởng hoa hồng 10 - 15%; Thông báo trúng thưởng và yêu cầu đóng phí nhận thưởng; giả Việt kiều gửi quà, gửi tiền và yêu cầu đóng phí để nhận; giả điện lực thông báo hoàn trả phần tiền điện tính sai... Thậm chí, các đối tượng lừa đảo gọi điện mạo danh là Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra để được hỗ trợ chạy án, tránh mất tài sản; Giả giáo viên gọi điện yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu con em bị tai nạn; Gọi điện dọa khóa sim vì chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao...
Và dù các cơ quan chức năng liên tục đưa ra các cảnh báo, song không ít người vẫn “dính bẫy”.
Mới đây, một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với gần 20 đối tượng do Lê Thị Phượng, sinh năm 1985, trú ở Thọ Xuân, Thanh Hóa cầm đầu vừa bị Công an TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương triệt phá.
Theo điều tra, các đối tượng đóng giả nhân viên tư vấn của ngân hàng hoặc nhân viên bán hàng sau đó gọi điện cho khách hàng có nhu cầu vay vốn, hoặc tư vấn mua hàng trúng thưởng xe máy SH có giá trị cao.
Đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhóm đối tượng này sẽ làm hồ sơ cho vay số tiền từ 20 – 50 triệu đồng, sau đó lấy lý do khách hàng cần mua bảo hiểm tiền vay và các khoản thuế phí nhằm chiếm đoạt số tiền này.
Đối với hình thức bán đồ gia dụng, thực phẩm chức năng trúng thưởng xe máy, sau khi có được thông tin đơn hàng trên mạng và mã dự thưởng của những người này, các đối tượng đã gọi điện thoại thông báo khách hàng trúng thưởng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp sẵn để làm giấy tờ xe, phí vận chuyển hoặc quy đổi từ xe sang tiền mặt với những người không muốn nhận xe. Bước đầu cơ quan công an xác định có 13 người ở 8 tỉnh, thành phố trên cả nước đã bị lừa với số tiền hơn 350 triệu đồng.
Thực tế, chiêu trò lừa đảo bằng cách gọi điện thoại hay liên lạc qua các ứng dụng Facebook, Zalo… đã trở thành nỗi lo lắng của cộng đồng trong mấy năm gần đây. Hàng nghìn nạn nhân đã “dính bẫy” các chiêu trò lừa đảo và bị thiệt hại số tiền không nhỏ. Mức độ hoành hành của chiêu trò lừa đảo dường như nhiều hơn vào cuối năm.
Thiết nghĩ, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm của các lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhanh nhạy trong nắm bắt, cập nhật thông tin để tránh mất tiền vào tay của các đối tượng xấu.