Cụ thể, thanh toán qua kênh Internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56 % về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172% về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước). Giá trị giao dịch qua ATM khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, giảm hơn 9% so với 2022.
Việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, đến nay, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.
Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, đến cuối tháng 11/2023, toàn thị trường có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kỳ năm 2022).
Tính đến cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường. Trong đó, dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử: 1 tổ chức, dịch vụ cổng thanh toán điện tử; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; 14 tổ chức và dịch vụ ví điện tử.
Đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.
Sau 2 năm thí điểm, Mobile Money đã có mức tăng trưởng tốt. Tại thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản đăng ký gần 6 triệu, trong đó gần 70% là tài khoản đăng ký ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; tổng số lượng giao dịch khoảng 47 triệu, tổng giá trị giao dịch trên 2,4 nghìn tỷ đồng.
Thói quen người tiêu dùng đã thay đổi
Để có được kết quả này, các ngân hàng và tổ chức tài chính, ứng dụng thanh toán đã đưa ra hàng loạt ưu đãi cho người tiêu dùng thông qua các chương trình tặng thưởng, chiết khấu khi thanh toán không tiền mặt.
Nhưng thậm chí, ngay cả khi không được ưu đãi, nhiều người dân vẫn chuộng việc sử dụng ứng dụng thanh toán, ví dụ như Viettel Money, vì sự tiện lợi và an toàn. Các cửa hiệu, nhà hàng dọc các con phố lớn, hay tại các chợ dân sinh, cũng đều đã cho phép người dùng thanh toán bằng mã QR, hoặc chuyển khoản.
Theo báo cáo được phát hành giữa năm 2023 của Visa, tỷ lệ người dùng Việt sử dụng thanh toán bằng thẻ trực tuyến, ví điện tử và thanh toán mã QR trong năm 2022 đã tăng trên mọi nhóm độ tuổi so với năm 2021. Có đến 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng – ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với mức 32% năm 2021.
Tương tự, tỷ lệ thanh toán bằng mã QR gia tăng vượt bậc, với 61% (năm 2022) so với mức 35% (năm 2021). 90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt (năm 2022), tăng cao so với mức 77% (năm 2021) và 77% tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày. 85% người tiêu dùng đã sừ dụng dịch vụ giao hàng tận nhà lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch, cho thấy thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển.