Ngày 30/11/2022, OpenAI đã công bố cái mà họ gọi là “bản demo ban đầu” của ChatGPT, một phần khác của dòng GPT-3.5 trong một “mô hình trò chuyện, tương tác” có định dạng hội thoại “giúp ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi, thừa nhận sai lầm, thách thức các tiền đề không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp”.
Không ai có thể hình dung được là ngay sau đó ChatGPT nhanh chóng trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.
Lúc bấy giờ, trước những làn sóng dư luận, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman bất ngờ nhảy vào cuộc tranh cãi trên mạng với một lưu ý thận trọng: “ChatGPT cực kỳ hạn chế, nhưng công cụ rất giỏi ở một số thứ, có thể tạo ra ấn tượng tuyệt vời”.
Sang tháng 1/2023, đã có cuộc tranh luận gay gắt về ChatGPT. Cũng trong tháng đó, một hội nghị về việc sử dụng học máy đã dẫn tới kêu gọi cấm ChatGPT. Không lùi bước, tháng 2/2023 Google đầu tư 300 triệu USD vào Anthropic khiến cuộc đua cạnh tranh với ChatGPT nóng lên. Tháng 3/2023, OpenAI phát hành mẫu GPT-4, bản cập nhật công nghệ rất tiên tiến. GPT-4 đã nâng cao công nghệ cốt lõi của ChatGPT bằng cách cho phép phần mềm trò chuyện giải quyết các vấn đề khó khăn hơn với độ chính xác cao hơn nhờ kiến thức chung rộng hơn và khả năng giải quyết vấn đề.
Liên tục các tháng sau đó cũng lại là những bước nhảy vọt của ChatGPT. Tháng 4: OpenAI được quảng bá rầm rộ. Tháng 5: OpenAI triển khai Plugin ChatGPT cho người đăng ký Plus. Tháng 6: ChatGPT đè bẹp những nỗ lực cạnh tranh của Google DeepMind. Tháng 8: OpenAI ra mắt ChatGPT dành cho doanh nghiệp. Tháng 9: OpenAI cho phép ChatGPT truy cập vào toàn bộ internet. Tháng 11: Thời gian sôi động nhất của OpenAI khi sa thải CEO Sam Altman và tấn công vào Thung lũng Silicon.
Những bước đi thần tốc của ApenAI, mà rõ nhất là ChatGPT gây ra quá nhiều lo lắng về “sự thật bị bẻ cong”. Tháng 11/2023, Mỹ, Anh và 16 quốc gia khác đã công bố thỏa thuận chi tiết đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó nhấn mạnh những biện pháp đảm bảo trí tuệ nhân tạo an toàn trước những kẻ lừa đảo, thúc đẩy các công ty tạo ra các hệ thống AI “an toàn ngay từ khâu thiết kế”.
Giám đốc Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và An ninh mạng Mỹ, bà Jen Easterly, cho biết điều quan trọng là hệ thống AI cần đặt sự an toàn lên hàng đầu. AI đang phát triển với tốc độ chóng mặt đòi hỏi hành động phối hợp quốc tế để không gian mạng toàn cầu an toàn hơn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần đầu tiên về AI, đầu tháng 11/2023 tại London (Anh) lãnh đạo các quốc gia và những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ đã đồng ý bắt tay với nhau để đưa ra một khuôn khổ chung phòng tránh những rủi ro AI có thể mang lại. Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong cuộc họp báo bế mạc hội nghị đã cho rằng tất cả các ý kiến về AI đều được lắng nghe, thể hiện trong "Tuyên bố Bletchley": cam kết của các quốc gia đặt mục tiêu giải quyết các mối đe dọa lớn nhất từ AI, thỏa thuận kiểm tra các mô hình AI của các công ty công nghệ trước khi phát hành và thỏa thuận triệu tập một hội đồng chuyên gia toàn cầu về AI.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD và nếu không có gì thay đổi thì đến lúc đó ChatGPT sẽ phổ biến, sau khi đã thống nhất được những thỏa thuận mang tính bắt buộc hạn chế những tiêu cực mà công cụ này có thể mang đến.
Còn với năm 2024? Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và An ninh mạng nước Mỹ cho rằng, ChatGPT sẽ “bước sang giai đoạn đỉnh cao”, tranh cãi sẽ ít đi nhưng những động thái kiểm soát rủi ro sẽ nhiều lên.
Ngày 9/12/2023 sau cuộc tranh luận kéo dài “xuyên đêm”, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về việc soạn thảo quy định quản lý sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được coi là bước ngặt của những nỗ lực nhằm hạn chế tác động xấu khi AI bị lợi dụng. Cao ủy thị trường nội bộ và công nghiệp EU Thierry Breton nhấn mạnh đây là thỏa thuận mang tính lịch sử. Thỏa thuận bao gồm các yêu cầu về tính minh bạch đối với tất cả các mô hình AI tổng hợp và các yêu cầu khắt khe hơn đối với các mô hình mạnh hơn. Với thỏa thuận này, EU trở thành khu vực đầu tiên ban hành luật quản lý AI. Trước đó, tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh hành pháp về các tiêu chuẩn an toàn của AI, trong khi Trung Quốc cũng đưa ra luật quản lý AI tạo sinh hồi tháng 8/2023.
Đáng chú ý, với thỏa thuận mới, EU sẽ theo dõi và trừng phạt những đối tượng vi phạm luật thông qua một cơ quan mới, gọi là Văn phòng AI EU trực thuộc Ủy ban châu Âu (EC). Văn phòng có thẩm quyền đưa ra mức phạt đến 7% doanh thu của công ty hoặc 35 triệu euro.