Dự thảo Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá. Việc kiểm tra yếu tố hình thành giá thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương IV Luật Giá.
Theo dự thảo, cơ quan, đơn vị được Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá có trách nhiệm xây dựng và trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch kiểm tra.
Kế hoạch kiểm tra của năm liền kề phải được trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt trước ngày 31/12.
Kế hoạch kiểm tra gồm các nội dung cơ bản sau: Mục đích và yêu cầu kiểm tra; nội dung kiểm tra; đối tượng kiểm tra; thời kỳ kiểm tra, thời hạn kiểm tra; đơn vị phối hợp kiểm tra (nếu có).
Ngay sau khi kế hoạch kiểm tra được phê duyệt, cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến từng đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra.
Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày và được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì có thể gia hạn 1 lần nhưng không quá 10 ngày.
Về xử lý các kiến nghị kiểm tra, ngay sau khi kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra phải xây dựng báo cáo kiểm tra và gửi đến cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra để xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra chỉ đạo kịp thời các cơ quan chuyên môn, đơn vị thực thuộc xử lý kiến nghị của đoàn kiểm tra theo thẩm quyền.
Trường hợp kiến nghị không thuộc thẩm quyền xử lý thì cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức được kiểm tra có trách nhiệm thực hiện các kiến nghị của đoàn kiểm tra để kịp thời khắc phục các sai phạm (nếu có).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/de-xuat-trinh-tu-kiem-tra-viec-chap-hanh-phap-luat-ve-gia-tham-dinh-gia-a41207.html