Ông dành cho nhà thơ Vi Thùy Linh và người yêu nhạc Trần Tiến cuộc trò chuyện cuối năm thật thú vị và đáng nhớ. Nhân dịp năm mới, thi sĩ Vi Thùy Linh gửi Người Đưa Tin bài viết mang tính tự sự rất xúc động của nhạc sĩ Trần Tiến, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thời của tôi, chiến tranh, nghèo đói, ngu ngơ. Không ai viết nhạc để bán, bán chẳng ai mua. Viết thì cứ viết như cái duyên Trời ban, như cái phận Đời định. Muốn làm nghề khác cũng không thể.
Thế là cặm cụi viết, đói nhưng thanh tao, sống bằng đồng lương Nhà nước, bằng tem bằng phiếu của một thời bao cấp. Khốn khổ mà vui. Tuy nhiên cái "tôi" gần như bị hủy diệt. Bằng chứng là không ra mắt tuyển tập, album, không có êm diễn cho người đang sống, chỉ cho người đã khuất, mà phải có công với cách mạng.
Thời của tôi sinh ra tôi. Tốt nghiệp Nhạc viện khi chiến tranh kết thúc. Đứng trước mọi đổ vỡ và xây dựng, tôi chọn con đường hợp với mình. Tôi không hợp với nhạc tuyên truyền phát ra rả trên đài. Không còn hợp với các đoàn văn công phục vụ chính trị như thời trẻ tôi từng tham gia. Thầy dạy tôi phải biết khinh bỉ thứ nghệ thuật để kiếm tiền, để tiến thân, thứ nghệ thuật để xu nịnh, hay để nổi tiếng. Tôi đi du ca với vài người bạn như: Ngọc Tân, Quang Lý, Y Moan, Sĩ Thanh… hát thứ nhạc của mình.
Thời của tôi qua rồi. Những ca sĩ cùng thời giúp tôi đưa bài hát đến mọi người rất thành công, nay đã về nơi thiên cổ.
Tôi ở lại với gần tám chục ca khúc tặng người cùng thời, nay đã già như tôi. Tất cả như đứng trước vực thẳm, đợi cơn gió lốc thời gian, cuốn bay những bản nhạc kỷ niệm một thời đắng cay và bất hạnh.
Thời của tôi qua rồi. Tôi có làm album hay ra tuyển tập, cũng chẳng để làm gì. Vậy mà một ngày kia, cô bé Lan Nguyên, sinh năm 1990 lẽo đẽo theo tôi quay trộm, rồi làm cuốn phim Màu cỏ úa cho hàng vạn đứa trẻ sinh năm 1990 xem, vỗ tay ầm ĩ. Phim quay từ 2015, trong 5 năm, quay 15 đợt, 80 phút, ra mắt tại TP HCM, ngày 23/11/2020 và tại TTCPQG Hà Nội, ngày 30/10/2020.
Đêm diễn Nửa thế kỷ phiêu bạt của tôi, có cậu bé sinh năm 2006 không đủ tiền mua vé, được Ban tổ chức thương cho vào… cười sung sướng. Bé cười cái gì, cái thời của tôi ư?
Rồi một ngày, tôi cảm thấy, thời của tôi vẫn còn lại. Những người thân sống quanh tôi, động viên tôi ra album, tuyển tập để lại cho đời. Họ bảo, bao nhiêu bài hát hay của tôi, đều chỉ được hát truyền miệng, chưa bao giờ có văn bản, nên tam sao thất truyền. Và còn ngót tám chục bài nữa tôi mang theo cho giun dế nghe hay sao?
Việc giun dế nghe cũng chẳng có gì là không hay. Tôi mãi cảm ơn giun dế, bầu trời, cỏ cây, hoa lá. Biển cả, núi non và những dòng sông. Đồng bào và những số phận đắng cay, nghiệt ngã đã cho tôi những khúc du ca để lại. Tôi cảm ơn Đời và cảm ơn Trời.
Trời và Đời thì không có tên. Nhưng những người thân quanh tôi, đã giúp tôi sống tiếp, tạo cảm hứng cho tôi viết tiếp thì có tên rõ ràng. Chẳng hạn như vợ tôi, tên Trần Bích Ngà. Em vợ tôi tên Thủy. Các em quanh bàn nhậu cùng tôi, cho tôi tiếp lửa, như em Vũ, em Thắng, em Nam, em Dương, và còn nhiều người nữa. Như người giúp tôi biên tập cuốn sách sẽ xuất bản năm nay, nhà văn Hồ Anh Thái. Như người tạo dựng hình hài cuốn sách, họa sĩ Trần Đại Thắng… Họ chẳng muốn tôi nhắc tên đâu, nhưng tôi đã được Mẹ dạy, anh Trịnh Công Sơn dạy. Nếu không biết hàm ơn, thì sẽ không bao giờ trả ơn được cuộc đời.
Tôi cũng xin hàm ơn, những ai đã mua hoặc vô tình mở ra những trang sách Người hát thơ mình của tôi. Chỉ thế thôi, tôi đã thấy đời mình có ý nghĩa, và có điều gì đó giống như hạnh phúc.
Nhạc sĩ Trần Tiến
27/1/2024.
Một số hình ảnh của Nhạc sĩ Trần Tiến
Nhạc sĩ TRẦN TIẾN
27/1/2024.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/khong-biet-ham-on-se-khong-tra-on-duoc-cuoc-doi-a41735.html