Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trào lưu video cải lương rầm rộ cùng sự đi xuống của các sân khấu cải lương. Nhiều người cho rằng sự ồ ạt của video cải lương khiến khán giả không còn đến sân khấu nữa nên làm cho sàn diễn suy yếu. Công – tội của video cải lương nên được nhìn nhận một cách khách quan qua cuộc trò chuyện của đạo diễn Lê Hoàng và nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng.
Nghệ sĩ Thanh Hằng nhớ lại trong vòng 7 năm, từ 1990 – 1997 chính là thời hoàng kim của băng video cải lương. Theo đạo diễn Lê Hoàng, sở dĩ có sự ra đời của băng video cải lương là nhờ vào sự hướng về những văn hóa trong nước vô cùng mạnh mẽ của những người Việt Nam sống tại nước ngoài. “Kiều bào khao khát được xem lại những gì trước đây họ từng xem. Do đó một chiếc video được quay gọn nhẹ và nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu quay lại những vở cải lương và gửi ra nước ngoài. Kiều bào họ mua rất đông”, Lê Hoàng cho hay.
Thanh Hằng chia sẻ một vở cải lương quay băng video chỉ vỏn vẹn 1,5 ngày thu tiếng và 3 ngày quay hình. Trong khi đó, một vở cải lương tập trên sân khấu mất tận 2 tháng. “Một vở tuồng tập sân khấu mỗi ngày sẽ phát sinh ra một cách diễn mới còn video lại bị hạn hẹp về cảm xúc và cách diễn. Có khi chưa thoại, chưa cười mà trong video nó phát trước rồi làm diễn viên mất cảm xúc”, Thanh Hằng nhớ lại.
Nữ nghệ sĩ cho rằng từ năm 1990 trở đi, sân khấu cải lương bắt đầu gặp khó khăn. Nói về lý do, bà chia sẻ: “Vì hình ảnh, chương trình khi đó nhiều tới mức lục ra không còn kịch bản để làm nữa. Cái gì cũng mang ra quay. Việc thu trước - diễn sau cũng gây ra thảm họa về cảm xúc, khiến băng video nhanh chóng lỗi thời. Lỗi kỹ thuật đã đành, lỗi ở cả nghệ sĩ phải làm cho kịp tiến độ. Tất cả gộp lại khiến khán giả bị mất lòng tin nơi cải lương”, Thanh Hằng ngậm ngùi.
Kể về giai đoạn thịnh hành của băng cải lương, Thanh Hằng cho biết thêm: “Từ sáng sớm chúng tôi đã chuẩn bị để quay tuồng, tối đến lại chạy show. Nhiều lúc đi làm quá mệt, tôi tụt canxi phải hủy vở diễn sân khấu dù đã bán hết 600-700 ghế. Cuộc sống, đồng tiền, công việc nó kéo mình đi, quên cả những giá trị quan trọng của sân khấu”.
Đến mãi sau này, nghệ sĩ Thanh Hằng ngồi ngẫm nghĩ thì thấy có những hình ảnh trong video mà chị không dám xem lại. Khán giả có thể bị lừa nhưng bản thân là nghệ sĩ không thể lừa chính mình được. Tiếp xúc với cả khán giả hải ngoại lẫn trong nước, Thanh Hằng rút ra được hai điều đó là khán giả hải ngoại “dễ mà khó”, trong khi khán giả Việt Nam “khó mà dễ”. “Khán giả kiều bào họ xem qua video mỗi ngày nên thấy kĩ được những sai sót về cảm xúc hay lệch thoại, mỗi khi xem trực tiếp thì họ bất ngờ bởi hát hay hơn trong video rất nhiều. Còn khán giả trong nước xem cận cảnh trên sân khấu chỉ khó một điều họ yêu cầu nghệ sĩ phải có danh tiếng”, Thanh Hằng chia sẻ.
Nữ nghệ sĩ nhìn lại quãng thời gian ấy dù có sự hối hận nhưng phải chấp nhận vì cuộc sống và thời điểm khi ấy là như vậy: “Nhìn lại mới thấy có lỗi với nghề nghiệp của mình. Hiện tại bây giờ tuy lớn tuổi nhưng về nghệ thuật tôi vô cùng cẩn thận và kĩ lưỡng hơn ngày xưa rất nhiều. Vì mình đã thấy lỗi ngày xưa rồi, biết lỗi để sửa lỗi là điều đáng mừng”.
Lâm Lâm (t/h)
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/nghe-si-thanh-hang-nhin-lai-moi-thay-co-loi-voi-nghe-cua-minh-a41738.html