Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của cả 4 nhóm mặt hàng ngập sắc xanh, kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,66% lên 2.123 điểm, kết thúc chuỗi giảm hai ngày liên tiếp trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 5.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá trị giao dịch của nhóm hàng kim loại tăng đáng kể, gần 39% so với ngày giao dịch hôm qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/1, tất cả mặt hàng nhóm kim loại đồng loạt tăng giá. Một số nhà đầu tư tìm kiếm sự trú ẩn an toàn trước diễn biến phức tạp quanh khu vực Biển Đỏ đẩy giá kim loại quý tăng nhẹ. Cụ thể, giá bạc tăng 0,74% lên 22,46 USD/ounce. Giá bạch kim tăng nhẹ 0,28% lên 905,5 USD/ounce.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, lực mua mạnh mẽ xuất hiện ngay từ đầu phiên sau thông tin các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tìm cách huy động khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ (278 tỷ USD) hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Động thái của Chính phủ diễn ra ngay sau một đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc khiến chỉ số CSI 300 chuẩn xuống mức thấp nhất 5 năm. Sự hỗ trợ đem lại tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư và thúc đẩy đà tăng giá cho nhóm kim loại cơ bản. Chốt phiên, giá đồng COMEX tăng 0,8% lên 3,79 USD/pound.
Giá quặng sắt cũng tăng 0,69% lên mức 134,54 USD/tấn trước thông tin trên. Đồng nhân dân tệ mạnh hơn đã làm tăng sức mua của những người nắm giữ đồng tiền Trung Quốc. Trong khi quốc gia này vốn sản xuất và tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới. Ngoài ra, hàng loạt các kim loại cơ bản trên sở LME cũng đạt mức tăng mạnh mẽ trên 2%, bao gồm nhôm, chì, thiếc, kẽm.
Giá dầu tiếp tục diễn biến giằng coDầu nằm trong số ít mặt hàng giảm giá trong ngày giao dịch hôm qua. Phần lớn phiên giao dịch trong ngày, giá dầu diễn biến tương đối giằng co trước các thông tin cơ bản trái chiều. Một mặt, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông vẫn đang tiếp diễn là mối đe dọa lớn đối với nguồn cung trong khu vực. Mặt khác, sự phục hồi sản lượng dầu ở một số bang của Mỹ, cùng với nguồn cung gia tăng ở Libya và Na Uy, đã thúc đẩy áp lực bán mạnh mẽ trên thị trường, kéo giá giảm nhẹ về cuối phiên.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,52% xuống 74,37 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,64% xuống 79,55 USD/thùng.
Cơ quan quản lý đường ống của bang North Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ, cho biết sản lượng dầu của bang đã phục hồi một phần sau khi giảm mạnh vì thời tiết lạnh giá. Sản lượng dầu của bang hiện giảm 250.000 - 300.000 thùng so với mức giảm 650.000 - 700.000 thùng vào ngày 17/1.
Ngoài ra, theo Tổng cục Ngoài khơi Na Uy (NOD), sản lượng dầu thô của Na Uy đã tăng lên 1,85 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023, từ 1,81 triệu thùng/ngày trong tháng trước và vượt dự báo của các nhà phân tích là 1,81 triệu thùng/ngày.
Hơn nữa, việc khởi động lại mỏ dầu Sharara với công suất 300.000 thùng/ngày của Libya đã thúc đẩy sản lượng của nước này phục hồi. Bộ trưởng Dầu mỏ Libya cho biết sản lượng dầu của Libya đã lên 1,2 triệu thùng/ngày sau khi mỏ dầu Sharara hoạt động trở lại.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga trong tuần trước đã giảm xuống 3,02 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của thời tiết bên cạnh các vụ tấn công bằng máy bay không người lái. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tác động từ các yếu tố trên là nhất thời và Nga có thể hồi phục hoàn toàn hoạt động xuất khẩu trong tuần tới.
Rạng sáng nay (24/1) theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 19/1 giảm 6,67 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo giảm 2,2 triệu thùng của giới phân tích. Trong khi đó, tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 250.000 thùng, so với kỳ vọng tăng 300.000 thùng của thị trường. Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ vẫn còn hạn chế, khi tồn kho xăng tiếp tục tăng mạnh 7,2 triệu thùng, có thể sẽ khiến giá dầu giằng co.
Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/gia-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-dong-loat-dao-chieu-di-len-a41750.html