Dâng sao giải hạn: Hiểu thế nào cho đúng?

Mong muốn bình an, may mắn là ước nguyện chính đáng của mọi người dân, tuy nhiên cần có những hoạt động phù hợp, tiết kiệm, ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới.

Đã rất nhiều năm nay, cứ sau mỗi dịp Tết đến, người dân lại tìm đến các chùa đền phủ điện… để làm lễ dâng sao giải hạn với mong muốn cầu cho một năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, để hiểu đúng về nghi lễ này không phải ai cũng nắm rõ. 

Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển – Học viện Báo chí và Tuyên truyền để về nguồn gốc của nghi lễ dâng sao giải hạn và những tục lệ lấy may đầu năm.

NĐT: Thưa ông, xin ông có thể cho biết từ đâu lại có hoạt động dâng sao giải hạn đầu năm và ý nghĩa của nghi lễ này?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Tín ngưỡng dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Lão giáo. Người ta tin rằng, trên trời có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. 9 sao này có sao tốt và có cả sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. 

Dân gian tin rằng năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng (nặng nhất là “nam La Hầu, nữ Kế Đô” là loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời).

Vào trước năm 1954, người dân miền Bắc đến các đền, phủ để dâng sao, giải hạn nhưng thời điểm đó, đây chỉ là một tín ngưỡng và thực hiện rất đơn giản chứ không như hiện nay. 

Việc đi lễ cầu may, tiễn những điều xấu thể hiện niềm tin của người dân vào những điều linh thiêng. Tuy nhiên, chúng ta phải biểu đạt hay thực hành niềm tin đó một cách đúng đắn. Cái hạn, cái không may là điều tự nhiên. Con người có lúc yếu, lúc khỏe, cũng là thời vận. 

Văn hoá - Dâng sao giải hạn: Hiểu thế nào cho đúng?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển – Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Bởi vậy, dâng sao, giải hạn chỉ mang ý nghĩa là một sự an ủi về tinh thần, xoa dịu nỗi lo lắng của con người, chứ không phải là giải thoát được những cái xấu, chỉ hưởng cái tốt.

Tuy nhiên, từ quan niệm dân gian đã có một bộ phận không nhỏ những thầy cúng, thầy bói, thầy chùa làm nghiêm trọng hóa việc ảnh hưởng của các vì sao đối  với vận mệnh khiến người dân cảm thấy lo lắng khi mang sao xấu, đổ xô đi làm những nghi lễ để cầu mong được bình an.

NĐT: Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về không hiếm để bắt gặp hình ảnh người dân xếp hàng dài, thậm chí bỏ ra số tiền không nhỏ để đăng ký dâng sao giải hạn ở các chùa với niềm tin sẽ giúp giải trừ tật ách. Theo ông điều này có phù hợp hay không? 

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật

Chùa là nơi tụ tập, rèn luyện tâm trí, cầu mong sự giải thoát khỏi tham sân si, nhưng hiện nay có nhiều ngôi chùa mở ra những hoạt động như xem tử vi, viết sớ, dâng sao giải hạn, cúng dường,…với chi phí không hề nhỏ.

Đây cũng được coi là một trong những biến tướng của nhà Phật và điều này cần phải có những cuộc trao đổi, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các nơi văn hoá tâm linh như chùa, đền, miếu, phủ,…

Do đồng bằng Bắc bộ Việt Nam dân cư đông, tôn giáo tín ngưỡng phát triển, không chỉ dâng sao giải hạn mà nhiều phong tục khác cũng bị lợi dụng trục lợi, bày vẽ nhiều lễ nghi sa hoa lãng phí, đặc biệt là mê tín làm sai lệch ý nghĩa đơn thuần vốn có.

Chúng ta không nên quá tin rằng khi giải hạn rồi thì các điều không tốt sẽ không đến với mình và mong chờ có một phép màu nào giải quyết sự việc đó.

Văn hoá - Dâng sao giải hạn: Hiểu thế nào cho đúng? (Hình 2).

Người dân xếp hàng dài để làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm (Ảnh: Hữu Thắng).

NĐT: Chúng ta có nên quá lo lắng về việc khi bước sang năm sẽ phải  mang những ngôi sao xấu không, thưa ông?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Nếu sao tốt thì phấn khởi, sao không tốt thì họ đi chùa để dâng sao giải hạn là không nên. Quy luật tự nhiên của đời người phải có tháng này tháng nọ, năm này năm kia chứ không phải cứ cúng dâng sao giải hạn có thể tiễn được sao xấu, mọi điều không may sẽ không xảy ra. Hoạt động tâm linh này chỉ phần nào giải quyết được niềm tin tinh thần của mỗi người không nên quá lo lắng mà đây vẫn chỉ xem là một tín ngưỡng trong dân gian trước kia. 

Thay vì theo các “thầy ông, thầy bà” dùng nghi lễ dâng sao, giải hạn một cách thụ động thì người dân hãy chủ động dùng pháp đối trị tâm linh để tự mình có thể giải hạn cho chính mình, như: Không làm các việc phi pháp, không buôn bán gian lận,…thì quanh năm sẽ được an bình, tránh xa được vòng lao lý, hoàn toàn có thể khắc chế được tác hại tiêu cực của La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch... 

Cẩn trọng trong lời nói, thực hành nhẫn nhục, không ham danh lợi, cứu giúp người nghèo khổ, gia ân bố đức khắp muôn loài thì khắc phục được hạn “hao tài”.

NĐT: Theo tục lệ cha ông ta từ xưa đến nay, để đem lại may mắn, bình an cho năm mới người dân thường làm gì để lấy may đầu năm, thưa ông?

Văn hoá - Dâng sao giải hạn: Hiểu thế nào cho đúng? (Hình 3).

Cần hiểu đúng về hoạt động dâng sao giải hạn (Ảnh: Hữu Thắng).

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Đầu năm là thời khắc chuyển giao về mặt thiên văn vũ trụ, là khởi đầu của một năm nên từ xưa đến nay người ta rất coi trọng những hoạt động trong ngày đầu xuân. Theo quan niệm dân gian người ta cho rằng đầu năm mua muối tượng trưng cho tình cảm thắm thiết, keo sơn và đồng điệu giữa con người với nhau, giữa bạn bè và các thành viên trong gia đình.

Người ta cũng thường chọn những trang phục có màu sặc sỡ mặc cho 3 ngày Tết, nói những lời hay ý đẹp. Cùng với đó là trang trí nhà cửa bằng cành đào, cây quất, tranh ảnh ý nghĩa để đón những điều vui vẻ vào nhà.

Cùng với đó là bà con chọn đi lễ chùa đầu năm để gửi gắm những lời cầu chúc cho gia đạo bình an, sức khỏe dồi dào, đi chùa đầu năm còn là dịp để du xuân, ngắm cảnh, thư giãn.

Ngoài ra còn nhiều hoạt động ý nghĩa khác như lì xì đầu năm, xin chữ lấy may, thưởng thức các món ăn truyền thống, tất cả đều là những hoạt động ý nghĩa cho ngày Tết thể hiện mong muốn đoàn kết, bình an, mạnh khoẻ của người dân.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 11 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/dang-sao-giai-han-hieu-the-nao-cho-dung-a42197.html