Tết cổ truyền của phụ nữ hiện đại

Ngoài những trọng trách đảm nhận trong xã hội, người phụ nữ thời nay vẫn cố gắng duy trì thiên chức giữ lửa cho tổ ấm của mình.

Mỗi khi Tết đến có lẽ phụ nữ là những người bận rộn nhất. Với những phụ nữ hiện đại, họ vẫn thể hiện được chuẩn mực truyền thống trong dịp Tết nhưng cũng phần nào đang thay đổi để xoá bỏ suy nghĩ nấu nướng dọn dẹp là thuộc về phụ nữ.

Theo chị Phan Anh - nhà sáng lập, CEO Esheep Kitchen và là admin của cộng đồng Yêu Bếp, thì mỗi chị em cần tìm cho mình một cách để “giải phóng” biến việc bếp núc là niềm yêu thích thay vì là sự ràng buộc.

San sẻ lo toan ngày Tết

NĐT: Theo chị, quan điểm của phụ nữ thời nay về Tết là như thế nào? Trước kia nói về Tết sẽ là hình ảnh người bà, người mẹ tất bật chuẩn bị mọi thứ trong gia đình. Ngày nay, cái “tất bật” đó có còn, Tết giờ đây có còn là nỗi ám ảnh với chị em phụ nữ?

CEO Phan Anh: Vẫn còn chứ! Nỗi ám ảnh của sự tất bật, chộn rộn mỗi khi Tết về không phải chỉ đến với chị em phụ nữ đâu. Với người trưởng thành, người gánh trên mình một trách nhiệm nào đó, thì thời khắc “chuyển giao” năm cũ-năm mới, tôi tin nhất định ai cũng có một nỗi niềm tất bật nào đó.

Dưới góc nhìn của mình, tôi nghĩ rằng một trong những nỗi niềm ám ảnh với chị em phụ nữ ngày Tết mà tôi quan sát được chính là việc chưa nhận được sự sẻ chia đúng mực và cân bằng trong việc nhà ngày Tết, để họ có thể có chút thời gian thong dong tận hưởng xứng đáng cái khoảnh khắc giao thời tuyệt vời này bên gia đình, người thân, hoặc để chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân vào thời điểm này.

Người phụ nữ thấy ám ảnh vì nhiều thứ còn phải lo quá, nhiều thứ chưa hoàn thành được như kỳ vọng. Việc này tương tự với các vị trí khác trong gia đình và xã hội thôi: đàn ông, người chồng cũng có những muộn phiền khác.

Văn hoá - Tết cổ truyền của phụ nữ hiện đại

Chị Phan Anh - nhà sáng lập, CEO Esheep Kitchen và là admin của cộng đồng Yêu Bếp.

Trước khi đón Tết hân hoan, thì tôi nghĩ ai cũng sẽ có chút muộn phiền cần trút bỏ cả. Chẳng phải, đó cũng là một phần ý nghĩa của “năm mới” sao? Cứ 365 ngày, chúng ta lại có cơ hội vòng lại một khởi đầu mới, để trút bỏ tạm những muộn phiền ấy để đón niềm vui mới với Tết.

Hình ảnh người mẹ người bà tất bật chuẩn bị nhiều thứ đón Tết trong gia đình sẽ là hình ảnh đẹp và đáng quý nếu việc đó đem lại cho họ niềm vui, khiến họ cảm thấy hạnh phúc và họ tận hưởng được ý nghĩa của việc này. Đó là sự kết nối lưu giữ những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình trong dịp Tết. Điều này là vô giá, đáng để giữ gìn.

Nhưng hình ảnh này sẽ bớt đẹp, nếu sự tất bật ấy khiến họ quá tải, khiến họ lo lắng và đôi khi khiến họ chạnh lòng nếu tất bật đến tận phút giao thừa mà không kịp tận hưởng thành quả của sự tất bật trước đó, không được ghi nhận và sẻ chia bởi gia đình người thân.

NĐT: Theo chị, người phụ nữ hiện nay cần làm gì để vừa giải phóng mình trước những công việc bếp núc, với những lo toan ngày Tết, những vẫn giữ  được nét truyền thống, vai trò là người giữ lửa cho căn bếp?

CEO Phan Anh: Mỗi người sẽ phải tự tìm ra giải pháp cho riêng mình thôi bạn ơi. Đầu tiên, phải trả lời câu hỏi tại sao lại là “phải giải phóng” trước việc bếp núc và lo toan này Tết? Nếu việc này là sự kìm kẹp, là áp lực và là điều bạn bị người khác ép làm, hoặc bạn đang bị kẹt trong tư duy “trách nghiệm tối” về chuyện bếp núc thì mới phải giải phóng chứ!

Tôi tạm ví von khái niệm “trách nhiệm tối” ở đây là những trách nhiệm do chính bản thân đặt ra cho một sự việc, nằm ngoài năng lực hoặc mong muốn của bản thân, để làm hài lòng người khác hoặc một định kiến của xã hội.

Văn hoá - Tết cổ truyền của phụ nữ hiện đại (Hình 2).

Chị Phan Anh cho rằng người phụ nữ cần trao đi, san sẻ trách nhiệm lo toan gia đình.

Còn nếu chính bạn cũng nhận thấy, việc bếp núc ngày Tết cũng là một điều tốt đẹp cần làm, vai trò của bạn nên là người góp phần cùng cả gia đình giữ lửa cho căn bếp, việc này phù hợp với khả năng của bạn, khiến bạn dù lo toan đấy nhưng hiểu và đón nhận rằng sẽ có những niềm vui và hạnh phúc đền đáp, thì nó là “trách nhiệm sáng”, là trách nhiệm của người trưởng thành góp phần vào hạnh phúc chung của gia đình trong hành trình tích lũy văn hóa gia đình, để trao lại cho thế hệ tương lai của mỗi nhà.

Nếu thấy vậy, thì giải pháp chỉ đơn giản là “cùng trao đi, cùng san sẻ, cùng tận hưởng”. Hãy trao cơ hội cùng lo toan cho cả gia đình bằng cách lập kế hoạch sớm từ trước Tết cho những việc cần làm, khơi gợi trách nhiệm và cảm hứng của các thành viên khác trong gia đình để cùng san sẻ với bạn. Và thực hiện việc bếp núc phù hợp với năng lực cũng như tài chính của gia đình bạn.

Nghe to tát nhưng nó chính là việc giảm tải những việc rườm rà khiến bạn quá tải: nếu không thể tổng vệ sinh nhà cửa đến từng ngóc ngách, thì chấp nhận chỉ làm sạch những phần quan trọng, hoặc – cả năm hãy luôn giữ nhà cửa gọn gàng đừng tích dồn đến Tết mới dọn.

Việc bếp núc cũng tương tự: không thể đòi hỏi một gia đình cả năm ăn uống giản tiện, bỗng nhiên Tết phải bày ra cỗ bàn long trọng. Những hình thức đó, cần phải đi cùng chiều sâu văn hóa mỗi gia đình, cần tích lũy theo thế hệ và năm tháng. Khi năng lực và năng lượng truyền thống của mỗi gia đình, mỗi người phụ nữ “đã đủ”, tất yếu có một cái Tết thật vẹn tròn. Còn chưa đủ, hãy học hỏi, hãy tích lũy, hãy nghĩ về nó để thực hiện dần (nếu muốn).

Văn hoá - Tết cổ truyền của phụ nữ hiện đại (Hình 3).

Đừng để Tết trở thành gánh nặng đối với người phụ nữ.

Nội trợ chưa bao giờ là điểm yếu

NĐT: Chị nghĩ thế nào về việc công việc nội trợ có thể trở thành một nghề nghiệp cho phụ nữ thay vì quan điểm trước kia cho rằng nếu phụ nữ ở nhà nấu cơm là “ăn bám”?

CEO Phan Anh: Sau nhiều năm nghĩ về điều này thì giờ tôi vẫn nghĩ là “không”. Nghề là công việc mang lại tiền bạc và mối quan hệ xã hội. Nếu việc bếp núc,  công việc nội trợ trở thành một nghề, thì bạn phải tạo ra sản phẩm để xã hội trả tiền cho bạn về việc đó.

Khi đó, gọi là “nghề nội trợ”. Còn việc phụ nữ chăm lo gia đình, tề gia mỗi ngày, thì không nên gọi là nghề. Đó là sự chia sẻ trách nhiệm và là sự xếp đặt vị trí, vai trò của các trụ cột gia đình. Khi ấy, người chồng nhận trách nhiệm trụ cột tài chính (bằng việc đi làm ra tiền), người vợ đảm đương trụ cột “nội tướng”, chăm lo vun đắp cho đời sống tinh thần và sự gắn kết của một gia đình. Điều này cực kì quan trọng trong cán cân hạnh phúc gia đình. Khi hiểu được giá trị của vai trò này, thì không ai cho rằng phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình là “ăn bám” nữa.

Tuy nhiên, con người ngoài sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần thì còn sức khỏe xã hội nữa. Cái khó và thiệt thòi của người phụ nữ ở gia đình có người vợ toàn thời gian chăm lo gia đình chính là thiếu hụt giao tiếp quan hệ xã hội. Tuy nhiên, bây giờ có rất nhiều nghề nghiệp “ngoài công sở”, phù hợp và hỗ trợ rất tốt những người phụ nữ muốn dành nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Phụ nữ đã có nhiều cơ hội hơn để phát triển toàn diện và chăm lo bản thân.

Vậy nên, tôi nghĩ rằng không nên phân chia tuyệt đối vai trò và trách nhiệm của hai cán cân này, mà nên có sự san sẻ ở tỉ lệ phù hợp theo nghề nghiệp, đặc tính của mỗi gia đình, để cả chồng và vợ đều có cơ hội chăm lo quan tâm con cái, chăm sóc tổ ấm, và cùng nhau san sẻ cả gánh nặng tài chính gia đình, có lẽ sẽ “dễ thở” hơn.

Văn hoá - Tết cổ truyền của phụ nữ hiện đại (Hình 4).

Không có người phụ nữ thời đại mới nào mà lại cho rằng việc mình làm tốt việc nhà, đi chợ, nấu cơm lại là “điểm yếu”.

NĐT: Theo chị, người phụ nữ thời đại mới cần biến chính những cái “yếu” của mình trở thành điểm “mạnh”, có chỗ đứng trong xã hội như thế nào?

CEO Phan Anh: Tôi chưa bao giờ đánh giá việc nhà là việc nhỏ! Việc đi chợ, nấu cơm, chăm lo cho gia đình chưa bao giờ là “điểm yếu”, dù người đảm đương nó là phụ nữ hay đàn ông. Vì vậy, không cần nghĩ cách làm thế nào để chứng minh cho người khác thấy nó “mạnh” hay không.

Một thứ là việc trong nhà, tại sao lại cần chứng minh chỗ đứng ngoài xã hội? Nó có chỗ đứng quan trọng trong mỗi gia đình rồi, và mỗi gia đình là một tế bào của xã hội rồi. Vì vậy, bản chất nó là một yếu tố quan trọng và mạnh mẽ ở bất cứ đâu.

Ngược lại, đàn ông cũng vậy, nếu một người đàn ông làm tốt việc nhà, đi chợ, nấu cơm, thì trời đất ơi có tuyệt không cơ chứ! Phụ nữ cũng vậy đó! Rất tuyệt bạn nhỉ! Còn nếu chưa sành sỏi việc này? Ai cũng có thể trau dồi, nếu họ muốn. Còn nếu không, cũng có nhiều cách khác để vun đắp một gia đình, ngoài việc chỉ đi chợ, nấu cơm. Việc nhà không nhỏ, nhưng cũng không phải là tất cả. Phụ nữ được chọn điều họ muốn, phù hợp với họ.

Tôi tin không có một phụ nữ thời đại mới nào mà lại cho rằng việc mình làm tốt việc nhà, đi chợ, nấu cơm lại là “điểm yếu” của mình cả đâu. Họ đủ thông minh, tinh nhạy để hiểu được đây chính là “điểm cực cuốn”, “điểm cực mạnh” của bản thân mình phải không? Tôi tin rằng họ đủ nhận thức được giá trị này của cá nhân họ.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của chị!.

Link nội dung: https://doanhnhandautu.net/tet-co-truyen-cua-phu-nu-hien-dai-a42293.html